THÔNG TIN THUỐC THÁNG 11/2017

      BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRI TÔN                                     

              Đơn Vị DLS – TTT                                  

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                                                                                        Tri Tôn, ngày 10 tháng 11 năm 2017

 

   THÔNG TIN THUỐC THÁNG 11/2017

 Kính gửi: Các khoa phòng trong Bệnh Viện.

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý. Bộ phận DLS – TTT xin thông tin cho các Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng và các cán bộ y tế lưu ý  và cập nhật.

TỔNG HỢP CÁC KHUYẾN CÁO VỀ AN TOÀN SỬ DỤNG THUỐC ĐỐI VỚI MỘT SỐ THUỐC HIỆN ĐANG SỬ DỤNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRI TÔN (P1)

 1.NHÓM KHÁNG SINH FLUOROQUINOLON.

     Qua đánh giá và xem xét về tính an toàn của nhóm kháng sinh Fluoroquinolon sử dụng đường toàn thân (viên nén, viên nang, thuốc tiêm) FDA đã phát hiện ra Fluoroquinolon có liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kéo dài vĩnh viễn, gây mất khả năng lao động và có thể xảy ra đồng thời trêncùng 1 bệnh nhân. Các tác dụng phụ này có thể liên quan đến gân, cơ, xương, dây thần kinh và hệ thống TKTW.

     12/05/2016, US FDA đã khuyến cáo: các tác dụng phụ nghiêm trọng của nhóm Fluoroquinolone đã vượt quá lợi ích mà thuốc mang lại trên các ở các bệnh Viêm xoang, Viêm phế quản và Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng. Đối với các bệnh trên, Fluoroquinolon chỉ là thuốc dự trữ cho bệnh nhân không có lựa chọn thay thế.

     Công văn số 5748/QLD-ĐK ngày 27/04/2017 của Cục QLD Việt Nam về việc cập nhật thông tin dược lý của nhóm thuốc Fluoroquinolon, đồng thời cảnh báo các phản ứng có hại nghiêm trọng có thể xảy ra. ( Thông tin thuốc tháng 07/2017 – BVĐK Tri Tôn) 

 2.METHYLPREDNISOLONE DẠNG TIÊM.

     CMDH đã thông qua đề xuất của Ủy ban Đánh giá Nguy cơ Cảnh giác Dược (PRAC) của EMA về việc không được phép sử dụng methylprednisolon dạng tiêm có chứa lactose - một loại chế phẩm có khả năng chứa một lượng nhỏ protein sữa bò, trên bệnh nhân dị ứng hoặc nghi ngờ dị ứng với protein sữa bò.

     Đã có báo cáo về phản ứng có hại, hầu hết các trường hợp dị ứng xảy ra ở bệnh nhân dưới 12 tuổi. Trong một số trường hợp được báo cáo, phản ứng bất lợi của thuốc được diễn giải sai thành không có hiệu quả điều trị, dẫn đến việc dùng lại methylprednisolon và làm tình trạng lâm sàng của bệnh nhân trở nên xấu đi( Thông tin thuốc tháng 08/2017 – BVĐK Tri Tôn)

     Công văn số 15466/QLD –TT của Cục Quản lý Dược ngày 02/10/2017 về việc cập nhật tính an toàn của Methylprednisolon dạng tiêm chứa thành phần tá dược là Lactose.

3.CÁC THUỐC CHỨA CODEIN.

     Ngày 13/03/2015, Ủy ban đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã đưa ra khuyến cáo thắt chặt việc sử dụng các thuốc chứa Codein để điều trị ho và cảm lạnh cho trẻ em do các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hô hấp. PRAC đặc biệt khuyến cáo:

  • Chống chỉ định Codein cho trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Không khuyến cáo sử dụng codein cho trẻ từ 12- 18 tuổi có các vấn đề về hô hấp.

( vừa làm thủ thuật cắt amidal, nạo VA)

  •  Các chế phẩm Codein dạng lỏng cần được chứa trong lọ chống trẻ em nhằm tránh trường hợp trẻ vô ý uống thuốc.

     Codein khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành morphin và gây ra tác dụng của chất này. Theo PRAC, mặc dù phản ứng có hại của Morphin xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng ở trẻ dưới 12 tuổi, con đường chuyển hóa Codein thành morphin thay đổi và không dự đoán trước được. Vì vậy, nhóm đối tượng này tiềm tàng những nguy cơ phản ứng có hại đặc biệt. Ngoài ra trẻ em đã từng có vấn đề về hô hấp có thể nhạy cảm hơn với Codein. PRAC cũng ghi nhận tình trạng ho và cảm lạnh thường tự khỏi và bằng chứng về hiệu quả điều trị của Codein trong các trường hợp này rất hạn chế. Ngoài ra, PRAC tiếp tục khuyến cáo không được sử dụng Codein trên bệnh nhân mang gen chuyển hóa thuốc nhanh ở tất cả mọi lứa tuổi và ở phụ nữ cho con bú do Codein được bài tiết vào sữa mẹ.

 4.THUỐC CHỐNG VIÊM KHÔNG STEROID  (NSAIDS) VÀ KHÔNG PHẢI ASPIRIN.

     Dựa trên quyết định của các Cơ quan Quản lý Dược phẩm trên thế giới, để đảm bảo

độ an toàn trên tim mạch, các cán bộ y tế cần lưu ý các vấn đề sau khi sử dụng NSAIDs:

  • Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch, bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong. Nguy cơ này xuất hiện sớm trong vài tuần đầu dung thuốc và tăng lên theo thời gian dùng thuốc. Nguy cơ huyết khối tim mạch được ghi nhận chủ yếu ở liều cao.
  • Bác sĩ cần đánh giá định kỳ sự xuất hiện của biến cố tim mạch, ngay cả khi bệnh nhân không có các triệu chứng về tim mạch trước đó. Bệnh nhân cần được cảnh báo về các triệu chứng của biến cố tim mạch và cần thám khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng này.
  • Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến cố bất lợi, cần sử dụng NSAIDs ở liều hàng ngày thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.
  • Các thử nghiệm lâm sàng và dịch tễ học cho thấy việc sử dụng Diclofenac có liên quan đến tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch ở liều cao (150mg/ngày) và kéo dài.

 5.AMOXICILLIN.

     Ireland – Cơ quan Quản lý Dược phẩm nước này thông báo tới cán bộ y tế rằng amoxicillin liên quan đến nguy cơ rất hiếm gặp hội chứng phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ưa acid và những triệu chứng toàn thân (DRESS).

     Ủy ban đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược Châu Âu (PRAC) vừa đánh giá tín hiệu và khuyến cáo rằng DRESS cần được bổ sung vào các phản ứng có hại trên da nghiêm trọng rất hiếm gặp đề cập trong thông tin các chế phẩm chứa amoxicillin.

     DRESS là hội chứng quá mẫn muộn với biểu hiện sốt, phát ban, bất thường huyết học và bệnh hệ thống, trong đó sốt và nổi ban ở da là những dấu hiệu lâm sàng đặc trưng ban đầu xuất hiện trong hội chứng DRESS. Phát ban đầu tiên xuất hiện trên khuôn mặt, lan ra khắp người và sau đó lan xuống 2 chân, bên cạnh đó phát ban có thể phát triển thành mụn nước và thường kèm theo phù mặt.

     Các bất thường về huyết học rất phổ biến thường là có sự tăng đáng kể bạch cầu ái toan, tăng lympho không điển hình và nhất là bệnh ở hệ thống bạch huyết. Bệnh hệ thống thường gặp nhất là liên quan đến gan, nhưng cũng có nhiều báo cáo cho thấy bệnh còn gặp ở một số cơ quan khác như: phổi, viêm thận kẽ, viêm màng ngoài tim và viêm tuyến giáp. Đa số trường hợp trong hội chứng DRESS thường xuất hiện viêm gan với transaminase tăng cao, tuy nhiên trong trường hợp dị ứng nặng thì suy gan cấp tính có thể xảy ra dẫn tới tỷ lệ tử vong là khoảng 10%.

Nguồn: Canhgiacduoc.org

                             HỘI ĐỒNG THUỐC        TRƯỞNG KHOA DƯỢC       TM. BỘ PHẬN DLS - TTT VÀ ĐIỀU TRỊ