Tin tức và sự kiện

THÔNG TIN THUÔC Q4.2024

 

TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 10/2024

 

KHUYẾN CÁO SỬ DỤNG ALLOPURINOL AN TOÀN:

THÔNG TIN TỪ CƠ QUAN QUẢN LÝ DƯỢC PHẨM SINGAPORE (HSA)

 

Những lưu ý khi sử dụng allopurinol 

Phác đồ điều trị bằng allopurinol thường kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng để giảm nồng độ acid uric huyết thanh về mức mục tiêu và cải thiện triệu chứng của bệnh Gout. Cần giám sát nồng độ acid uric và hiệu chỉnh liều allopurinol từ từ. Khi khởi đầu điều trị bằng allopurinol, bệnh nhân có thể gặp nhiều cơn đau do gút hơn do tác dụng của thuốc, do đó, bệnh nhân cần tiếp tục duy trì điều trị bằng allopurinol kể cả khi xuất hiện tình trạng này.

Allopurinol tương đối an toàn tuy nhiên thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn như tiêu chảy. Các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng hiếm gặp của allopurinol chủ yếu liên quan đến da, còn gọi là phản ứng có hại trên da nghiêm trọng (SCAR), có nguy cơ đe dọa tính mạng. Do đó, bệnh nhân ghi nhận gặp SCAR cần được nhập viện ngay để điều trị.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của SCAR 

- Các triệu chứng khởi phát của SCAR bao gồm các triệu chứng giả cúm, sau đó xuất hiện phát ban lan rộng gây đau và phồng rộp. Các triệu chứng khác bao gồm: loét miệng, đau miệng, mắt đỏ hoặc cộm mắt.

- Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây trong vòng 3 tháng đầu sử dụng allopurinol hoặc sau khi tăng liều thuốc. Các triệu chứng có thể xuất hiện độc lập và không đồng thời: 

  • Sốt 
  • Đau họng 
  • Đau cơ 
  • Loét miệng
  • Mắt đỏ hoặc có sạn
  • Ban đỏ hoặc tím lan rộng gây đau, tạo thành mụn nước và bong tróc da 

- Nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc SCAR, cần xử trí như sau:

  • Ngừng sử dụng thuốc
  • Trao đổi ngay với bác sĩ về việc sử dụng allopurinol 

Các yếu tố nguy cơ gặp SCAR khi sử dụng allopurinol

Các phản ứng có hại trên da nghiêm trọng không thể dự đoán và chưa có cơ chế rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ được xác định bao gồm:

  • Người mang đột biến alen HLA-B*5801.
  • Sử dụng liều cao allopurinol khi khởi đầu điều trị.
  • Có bệnh lý thận.

 

Phân loại SCAR  

Các SCAR được ghi nhận liên quan đến allopurinol bao gồm: hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN) và phản ứng do thuốc kèm theo tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS).

Bệnh nhân gặp SJS hoặc TEN có tổn thương da lan rộng thường được điều trị như bệnh nhân bỏng. Bệnh nhân gặp các phản ứng trên da nghiêm trọng cần nhập viện điều trị. Các phản ứng này gây ra biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí tử vong. Các phản ứng trên da nghiêm trọng cũng được ghi nhận khi sử dụng các thuốc khác như kháng sinh và thuốc chống động kinh.

                     Nguồn: Canhgiacduoc.org

 

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                                     HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

                                                                            

TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 10/2024

 

NHẮC LẠI NGUY CƠ VIÊM GÂN KHI SỬ DỤNG MỘT SỐ THUỐC NHƯ KHÁNG SINH FLUOROQUINOLON, GLUCOCORTICOID SỬ DỤNG DÀI NGÀY, DẪN CHẤT STATIN

  

Bảng 1: Đặc điểm của bệnh lý gân do thuốc liên quan đến các nhóm thuốc chính

Nhóm thuốc

Đường dùng và liều lượng

Thời gian khởi phát

Vị trí

Dẫn chất fluoroquinolon

bất kỳ

trong vòng 48h

90% tại gân Achilles , trong đó 40% trường hợp dẫn đến đứt gân

Glucocorticoid

đường uống, đường hít

≥ 3 tháng

Gân Achilles và các gân lớn khác ở chi dưới, dẫn đến đứt gân vài năm sau khi bắt đầu sử dụng glucocorticoid

Dẫn chất statin

bất kỳ liều lượng

8 - 10 tháng

50% tại gân Achilles , trong đó một phần ba dẫn đến đứt gân.

Kháng sinh fluoroquinolon

- Bệnh lý gân có thể gặp khi sử dụng bất kỳ fluoroquinolon nào (ví dụ, ciprofloxacin, moxifloxacin, norfloxacin); ở bất kỳ liều lượng hay đường dùng nào. Biểu hiện thường cấp tính, xuất hiện sớm nhất trong vòng 48 giờ, nhưng đã có trường hợp khởi phát muộn, vào khoảng vài tháng sau khi ngừng điều trị. Bệnh lý gân liên quan đến fluoroquinolon có thể kéo dài, gây tàn phế và không hồi phục.

- Ngừng sử dụng fluoroquinolon ngay khi xuất hiện triệu chứng viêm gân (ví dụ: đau, sưng, viêm) và sử dụng thuốc thay thế. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi và không vận động mạnh.

Glucocorticoid sử dụng dài ngày

- Bệnh lý gân thường khởi phát sau ít nhất 3 tháng sử dụng glucocorticoid dạng uống hoặc dạng hít. Bệnh nhân mắc các bệnh lý tự miễn (ví dụ, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống) sử dụng glucocorticoid đường uống dài ngày gặp nguy cơ cao hơn.

Dẫn chất statin

- Bệnh lý gân có thể gặp khi sử dụng statin bất kỳ liều lượng nào. Thời gian khởi phát sau 8 - 10 tháng. Bệnh nhân nên ngừng sử dụng statin nếu nghi ngờ gặp bệnh lý gân. Bệnh lý gân có thể tái phát nếu tái sử dụng statin.

Một số thuốc khác:

Một số thuốc khác đã được báo cáo có liên quan đến bệnh lý gân bao gồm: steroid đồng hóa, isotretinoin và thuốc kháng retrovirus (đặc biệt là chất ức chế protease).

Yếu tố nguy cơ: Các yếu tố nguy cơ gặp bệnh lý gân do thuốc gây ra bao gồm:

  • Tuổi cao (do sự thoái hóa các tế bào sợi gân)
  • Béo phì và vận động gắng sức 
  • Bệnh lý nền như các bệnh lý tự miễn và suy thận
  • Đang sử dụng hai hoặc nhiều loại thuốc được biết là gây viêm gân.

                     Nguồn: Canhgiacduoc.org

 

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                       HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

      

 TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 11/2024

 

BẢN TIN WHO SỐ 04/2024: SFDA CẢNH BÁO VỀ TÍN HIỆU

AN TOÀN CỦA BISOPROLOL 

 

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Ả Rập Xê út (SFDA) đã đưa ra thông báo về tín hiệu an toàn thuốc bao gồm: bisoprolol và nguy cơ tăng kali máu.

Bisoprolol là thuốc chẹn chọn lọc beta-1, sử dụng để kiểm soát bệnh tăng huyết áp và suy tim sung huyết. SFDA đã phát hiện tín hiệu an toàn liên quan đến việc sử dụng thuốc bisoprolol và nguy cơ tăng kali máu và đánh giá các bằng chứng hiện có.

Cơ sở dữ liệu quốc gia Ả Rập ghi nhận 103 báo cáo ca trong nước và 278 báo cáo ca trên thế giới trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (VigiBase). Tín hiệu an toàn thuốc phát hiện được biểu thị bằng chỉ số IC (IC = 3,7), cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê. Ngoài ra, một bài báo đã đề cập đến nguy cơ tăng kali máu với các thuốc cùng nhóm chẹn beta.

SFDA đã kết luận, từ các bằng chứng hiện có theo đánh giá ICSRs, dữ liệu báo cáo và y văn đã cho thấy có mối liên hệ giữa bisoprolol và tăng kali máu. Cần phải đánh giá sâu hơn về tín hiệu này để xác nhận nguy cơ và cảnh báo các nhân viên y tế về biến cố bất lợi có thể xảy ra.

                     Nguồn: Canhgiacduoc.org

 

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                                 HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

                                                                          

THÔNG TIN THUÔC Q4.2024

THÔNG TIN THUÔC Q3.2024

 

TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 09/2024

 

NGUY CƠ MẮC BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA KHI SỬ DỤNG THUỐC ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Bối cảnh

Tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm da cơ địa ngày càng gia tăng, đặc biệt trên bệnh nhân cao tuổi. Cho đến hiện nay, có rất ít thông tin về cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị tối ưu trên nhóm bệnh nhân này. Những dữ liệu ban đầu cho thấy rằng các thuốc điều trị tăng huyết áp có thể góp phần gây viêm da cơ địa; tuy nhiên có rất ít dữ liệu về thuốc điều trị tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa trên bệnh nhân cao tuổi.

Mục tiêu   

Xác định mối liên quan của sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp với bệnh viêm da cơ địa ở người cao tuổi.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu theo dõi dọc trên bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên không có chẩn đoán mắc bệnh viêm da cơ địa ở thời điểm đưa vào nghiên cứu. Nghiên cứu được tiến hành tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc mạng lưới Health Improvement Network tại Vương quốc Anh từ 01/01/1994 đến ngày 01/01/2015. Phân tích dữ liệu được thực hiện từ ngày 06/01/2020 đến ngày 06/02/2024.

Phương pháp xác định chỉ tiêu đánh giá chính

Viêm da cơ địa được ghi nhận dựa vào ngày đầu tiên xuất hiện một trong năm loại viêm da cơ địa phổ biến nhất.

Kết quả   

Trong tổng số mẫu nghiên cứu gồm 1.561.358 bệnh nhân cao tuổi (độ tuổi trung bình là 67 tuổi; tỷ lệ nữ giới chiếm 54%), tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa là 6,7% trong cả giai đoạn nghiên cứu. Tỷ lệ mắc viêm da cơ địa ở những bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cao hơn so với những bệnh nhân không sử dụng, lần lượt là 12 so với 9 trong tổng số 1.000 người-năm.

Kết luận

Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp có liên quan đến tăng nhẹ nguy cơ viêm da cơ địa, trong đó nguy cơ cao nhất với nhóm chẹn kênh canxinhóm lợi tiểu, nguy cơ thấp nhất với nhóm ức chế enzym chuyển angiotensin và nhóm chẹn beta. Hiện nay, vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để làm rõ các cơ chế tiềm ẩn của mối liên quan này. Tuy nhiên, những thông tin từ nghiên cứu này cũng rất hữu ích để các nhà lâm sàng có phương pháp quản lý bệnh nhân cao tuổi mắc viêm da cơ địa.

                     Nguồn: Canhgiacduoc.org

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                                       HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

                                                                            

TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 07/2024

 

HEALTH CANADA: NGUY CƠ VIÊM ỐNG KẼ THẬN CẤP KHI SỬ DỤNG OMEPRAZOL

 

Health Canada đã cập nhật bổ sung nguy cơ viêm ống thận kẽ cấp (tubulointerstitial nephritis -TIN) đối với 2 chế phẩm thuốc chưa omeprazol và omeprazol magnesi vào các mục Thận trọng, Phản ứng có hại và Thông tin dành cho bệnh nhân trong tờ thông tin sản phẩm lưu hành tại Canada

Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:

- Viêm ống thận kẽ cấp (TIN) đã được ghi nhận ở bệnh nhân sử dụng omeprazol và có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình điều trị.

- Viêm ống thận kẽ cấp có thể tiến triển thành suy thận.

- Ngừng sử dụng omeprazol ngay khi nghi ngờ mắc viêm ống thận kẽ cấp và có biện pháp xử trí kịp thời cho người bệnh.

- Bệnh nhân được khuyến cáo tham khảo ý kiến của nhân viên y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng của viêm ống thận, bao gồm giảm lượng nước tiểu, tiểu ra máu, sốt, phát ban, cứng khớp.

Health Canada sẽ phối hợp với các nhà sản xuất để bổ sung thông tin về nguy cơ viêm ống thận kẽ cấp vào Tờ thông tin sản phẩm của tất cả các chế thuốc ức chế bơm proton lưu hành ở Canada.

 

                     Nguồn: Canhgiacduoc.org

 

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                       HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

                                                                            

TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 08/2024

 

MEDSAFE: SỬ DỤNG THỰC PHẨM BỔ SUNG CHỨA KALI CÓ THỂ LÀM TĂNG KALI MÁU

Tăng kali máu

Tăng kali máu được định nghĩa là nồng độ kali huyết thanh lớn hơn 5,3 mmol/L và thường phổ biến hơn ở người cao tuổi và bệnh nhân suy thận.

Tăng kali máu thường không có triệu chứng đặc hiệu. Một số trường hợp có biểu hiện triệu chứng như:

  • Buồn nôn và nôn
  • Đau cơ và yếu cơ
  • Dị cảm
  • Liệt 
  • Thay đổi điện tâm đồ (ECG), đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim.

Tăng kali máu nặng ( ≥7,0 mmol/L hoặc ≥5,4 mmol/L có triệu chứng hoặc thay đổi ECG kèm theo) có khả năng đe dọa tính mạng.

Thuốc và thực phẩm bổ sung có thể góp phần gây tăng kali máu

Các loại thuốc có thể gây tăng kali máu thông qua nhiều cơ chế khác nhau như ức chế hệ renin-angiotensin hoặc giảm bài tiết kali qua thận.

Một số loại thuốc gây tăng kali máu bao gồm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chống viêm không steroid (NSAID), spironolacton, thuốc bổ sung kali, thuốc chẹn beta, digoxin và trimethoprim.

Một số thảo dược trong thực phẩm bổ sung có chứa kali, bao gồm: cây tầm ma, hoa anh thảo, nghệ, bồ công anh.

Ngoài ra, một số chất chứa kali khác có thể có trong thành phần hoặc tá dược như: phức hợp glucosamin sulfat-kali clorid.

Báo cáo tại New Zealand

Từ năm 1986 đến năm 2023, Medsafe và CARM nhận được 84 báo cáo ADR về tăng kali máu. Các loại thuốc nghi ngờ được báo cáo phổ biến nhất bao gồm thuốc ức chế ACE (21 báo cáo), trimethoprim hoặc cotrimoxazol (17 báo cáo), NSAID (9 báo cáo), spironolacton (6 báo cáo) và ARB (6 báo cáo).

Khuyến cáo khi  kê đơn

Đối với những bệnh nhân có nguy cơ tăng kali máu, nhắc nhở bệnh nhân đọc kỹ bảng thành phần và hỏi ý kiến cán bộ y tế trước khi dùng các thực phẩm bổ sung có chứa kali.

Đối với các trường hợp có tăng kali máu, cân nhắc các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có thể là yếu tố nguy cơ và ngừng các thuốc hoặc thực phẩm bổ sung này nếu cần thiết.

Để tìm hiểu thêm thông tin về việc quản lý tăng kali máu, tham khảo các tài liệu hướng dẫn điều trị.

Yêu cầu về ghi nhãn thuốc

Từ ngày 1 tháng 3 năm 2024, nếu thuốc có liều tối đa kali hàng ngày lớn hơn 39 mg (tương đương 1 mmol) kali nguyên tố, thông tin sản phẩm của thuốc phải ghi rõ hàm lượng kali chứa trong mỗi đơn vị liều. Bảng thành phần của thuốc và Tờ thông tin thuốc dành cho bệnh nhân cần liệt kê cả các tá dược.

Nguồn: Potassium in dietary supplements may lead to hyperkalaemia (medsafe.govt.nz)

 

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                                  HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

 

 THÔNG TIN THUÔC Q3.2024

THÔNG TIN THUÔC Q2.2024

 

TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 06/2024

 

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG ALBUMIN ĐƯỜNG TĨNH MẠCH

 

ĐẶT VẤN ĐỀ: Albumin được sử dụng tại nhiều cơ sở lâm sàng để cải thiện huyết động, hỗ trợ chọc hút dịch và kiểm soát các biến chứng của xơ gan. Nhóm Hợp tác Quốc tế về Hướng dẫn điều trị trong truyền máu (The International Collaboration for Transfusion Medicine Guidelines - ICTMG) đã xây dựng hướng dẫn sử dụng albumin cho các bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực, bệnh nhân sau phẫu thuật tim mạch, đang điều trị thay thế thận hoặc gặp các biến chứng của xơ gan.

 Bảng 1. Các khuyến cáo sử dụng albumin đường tĩnh mạch

STT

Khuyến cáo

Mức độ khuyến cáo

Mức độ bằng chứng

1

Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành (không bao gồm bệnh nhân bị bỏng nhiệt hoặc có hội chứng suy hô hấp cấp tính), albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo là dung dịch đầu tay để tăng thể tích tuần hoàn hoặc để tăng nồng độ albumin huyết thanh.

Khuyến cáo có điều kiện

Trung bình

2

Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành, bị bỏng nhiệt hoặc có hội chứng suy hô hấp cấp tính, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo là dung dịch để tăng thể tích tuần hoàn hoặc để tăng nồng độ albumin huyết thanh.

Khuyến cáo có điều kiện

Rất thấp

3

Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành, albumin đường tĩnh mạch phối hợp với thuốc lợi tiểu không được khuyến cáo để loại bỏ dịch kẽ.

Khuyến cáo có điều kiện

Rất thấp

4

Ở bệnh nhân nhi bị nhiễm trùng và giảm tưới máu, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để giảm tỷ lệ tử vong.

Mạnh

Thấp

5

Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng (≤ 36 tuần) có nồng độ albumin huyết thanh thấp và suy hô hấp, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để cải thiện chức năng hô hấp.

Khuyến cáo có điều kiện

Rất thấp

6

Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng (≤ 32 tuần hoặc ≤ 1,5 kg) có hoặc không có giảm tưới máu, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo là dung dịch để tăng thể tích tuần hoàn.

Khuyến cáo có điều kiện

Rất thấp

7

Ở bệnh nhân đang điều trị thay thế thận, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị hạ huyết áp trong quá trình lọc máu hoặc để cải thiện quá trình siêu lọc.

Khuyến cáo có điều kiện

Rất thấp

8

Ở bệnh nhân trưởng thành đang phẫu thuật tim mạch, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để chuẩn bị mạch bắc cầu hoặc là dung dịch tăng thể tích tuần hoàn.

Khuyến cáo có điều kiện

Trung bình

9

Ở bệnh nhân nhi đang phẫu thuật tim mạch, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để chuẩn bị mạch bắc cầu hoặc là dung dịch tăng thể tích tuần hoàn. 

Khuyến cáo có điều kiện

Rất thấp

10

Ở bệnh nhân xơ gan cổ chướng đang chọc hút dịch với thể tích lớn (> 5 lít), albumin đường tĩnh mạch được khuyến cáo để dự phòng rối loạn chức năng tuần hoàn sau chọc hút.

Khuyến cáo có điều kiện

Rất thấp

11

Ở bệnh nhân xơ gan bị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát, albumin đường tĩnh mạch được khuyến cáo để làm giảm tỷ lệ tử vong.

Khuyến cáo có điều kiện

Thấp

12

Ở bệnh nhân xơ gan bị viêm phúc mạc, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để làm giảm tỷ lệ tử vong hoặc suy thận.

Khuyến cáo có điều kiện

Thấp

13

Ở bệnh nhân nội trú bị xơ gan mất bù có tình trạng giảm albumin máu (< 30 g/L), truyền albumin tĩnh mạch lặp lại để tăng nồng độ albumin > 30 g/L không được khuyến cáo để làm giảm nhiễm trùng, hạn chế rối loạn chức năng thận hoặc tử vong.

Khuyến cáo có điều kiện

Thấp

14

Ở bệnh nhân ngoại trú bị xơ gan cổ trướng không biến chứng dù đã điều trị bằng thuốc lợi tiểu, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo thường quy để làm giảm các biến chứng liên quan đến xơ gan. 

Khuyến cáo có điều kiện

Thấp

 

KẾT LUẬN: Hiện tại, có rất ít chỉ định dựa trên bằng chứng cho phép việc sử dụng albumin thường quy trong thực hành lâm sàng để cải thiện kết quả của bệnh nhân. Hướng dẫn điều trị này cung cấp cho bác sĩ lâm sàng những khuyến cáo hữu ích về việc sử dụng albumin.

 

                      Nguồn: Canhgiacduoc.org

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                  HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

                                                                            

 

TTYT HUYỆN TRI TÔN

TỔ THÔNG TIN THUỐC

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 05/2024

MEDSAFE: THAY ĐỔI TÂM TRẠNG VÀ HÀNH VI BẤT THƯỜNG KHI SỬ DỤNG MỘT SỐ THUỐC

 

Một số thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn trên tâm thần, bao gồm thay đổi tâm trạng và hành vi. Bài viết này đề cập đến các tác dụng không mong muốn trên tâm thần của các thuốc không hướng tâm thần thường được kê đơn ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Tác dụng không mong muốn trên tâm thần là các triệu chứng tâm thần mới hoặc trở nặng trong quá trình sử dụng thuốc. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi ngừng thuốc.

Triệu chứng của tác dụng không mong muốn có thể tương tự với rối loạn tâm thần, bao gồm kích động, hưng phấn, lú lẫn, ảo tưởng, ảo giác, tâm trạng chán nản và trầm cảm. 

Bảng 1: Thuốc có tác dụng không mong muốn trên tâm thần (trừ thuốc hướng tâm thần)

Nhóm thuốc

Một số hoạt chất

tác dụng không mong muốn trên tâm thần

Thuốc ức chế

men chuyển

Enalapril, quinapril

Trầm cảm, lú lẫn, mất ngủ

Thuốc kháng virus

Aciclovir, valaciclovir

Lú lẫn, ảo giác, kích động, rối loạn tâm thần

Kháng sinh

Sulfamethoxazol + trimethoprim

Trầm cảm, ảo giác, rối loạn tâm thần, mất ngủ, thờ ơ, trầm cảm, ảo giác

Metronidazol

Rối loạn tâm thần, lú lẫn, ảo giác, trầm cảm, mất ngủ, khó chịu

Rifampicin, isoniazid

Rối loạn tâm thần

Thuốc kháng cholinergic

Oxybutynin

Kích động, lo âu, ảo giác, ác mộng, hoang tưởng, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn hành vi

Hyoscin hydrobromid

Lú lẫn, ảo giác

Thuốc kháng histamin

Cetirizin

Kích động, hung hăng, lú lẫn, trầm cảm, ảo giác, mất ngủ, giật cơ, có ý định tự tử, ác mộng

Promethazin

Hưng phấn, hưng phấn, hội chứng căng trương lực, cuồng loạn, kích động, lú lẫn

Thuốc chẹn beta giao cảm

Metoprolol, bisoprolol

Trầm cảm, ảo giác, mất ngủ, gặp ác mộng

Thuốc chẹn kênh canxi

Amlodipin, diltiazem

Thay đổi tâm trạng

Glycoside tim

Digoxin

Trầm cảm, rối loạn tâm thần, thờ ơ, lú lẫn

Thuốc tránh thai kết hợp

Levonorgestrel ethinylestradiol Norethisterone ethinylestradiol

Chán nản, thay đổi tâm trạng

Corticosteroid

Prednison, dexamethason

Hưng phấn, trầm cảm, hưng cảm, ảo tưởng, ảo giác, mất ngủ, có ý định tự tử

Thuốc đối kháng thụ thể leukotrien

Montelukast

Ác mộng, kích động, trầm cảm, tăng động tâm thần vận động, ảo giác, triệu chứng ám ảnh cưỡng chế, hành vi tự tử

Thuốc ức chế bơm proton

Omeprazol, pantoprazol

Kích động, lú lẫn, trầm cảm, ảo giác

Lưu ý: Bảng này không phải là danh sách đầy đủ tất cả các loại thuốc và phản ứng không mong muốn.

Khuyến cáo dành cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người chăm sóc

  • Khi bắt đầu dùng thuốc có tác dụng không mong muốn về tâm thần đã biết, cần tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hoặc người chăm sóc bệnh nhân về các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra và cách xử trí.
  • Người thân, bạn bè và người chăm sóc bệnh nhân có thể giúp cảnh báo bệnh nhân về những thay đổi tâm trạng và/hoặc hành vi có thể xảy ra.
  • Cha mẹ và/hoặc người chăm sóc bệnh nhi cần theo dõi chặt chẽ trẻ nhỏ, có thể  hỏi trẻ về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Tác dụng không mong muốn trên tâm thần có thể khó xác định

  • Khi chẩn đoán phân biệt bệnh nhân có triệu chứng tâm thần mới hoặc trở nặng, cần cân nhắc đến tác dụng không mong muốn của thuốc.
  • Mối liên quan giữa thuốc và các triệu chứng có thể khó xác định. Tham khảo bảng trên để cân nhắc liệu thuốc nghi ngờ có liên quan đến tác dụng không mong muốn trên tâm thần hay không.
  • Những yếu tố dưới đây có thể gợi ý tác dụng không mong muốn liên quan đến thuốc:
  • mối quan hệ về thời gian giữa việc sử dụng thuốc và tác dụng KMM
  • các triệu chứng cải thiện sau khi ngừng thuốc
  • các triệu chứng tái phát sau khi sử dụng lại thuốc
  • Các tác dụng không mong muốn trên tâm thần thường mất đi sau khi ngừng thuốc nghi ngờ.

                     Nguồn: Canhgiacduoc.org

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                 HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUÔC Q2.2024

THÔNG TIN THUÔC Q1.2024

TTYT HUYỆN TRI TÔN

  TỔ THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 02/2024

 

MHLW/PMDA: THẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG THUỐC ỨC CHẾ HỆ RENIN-ANGIOTENSIN TRÊN PHỤ NỮ TRONG

ĐỘ TUỔI SINH SẢN

 

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) và Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị y tế Nhật Bản (PMDA) đã đưa ra thông báo: Tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc ức chế hệ renin-angiotensin sẽ được cập nhật để cảnh báo thận trọng với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Thuốc ức chế hệ renin - angiotensin (RAS inhibitors), bao gồm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs), thuốc ức chế thụ thể angiotensin/neprilysin và thuốc ức chế trực tiếp renin, là các thuốc được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp và suy tim mạn tính. Chống chỉ định thuốc ức chế hệ thống renin – angiotensin đối với phụ nữ có thai hoặc dự định có thai do các nguy cơ đối với thai nhi bao gồm: thiếu ối, thai lưu hoặc tử vong trẻ sơ sinh, hạ huyết áp sơ sinh, suy thận, tăng kali máu, và thiểu sản hộp sọ.

Năm 2014, PMDA đã cảnh báo các nhân viên y tế về nguy cơ khi sử dụng thuốc ACEI hoặc ARB đối với phụ nữ mang thai sau khi nhận được một số báo cáo về việc bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị với các thuốc này ngay cả khi đã phát hiện có thai. Các biến cố bất lợi trên thai nhi được báo cáo có thể liên quan đến việc sử dụng các thuốc này trên người mẹ.

Tuy nhiên, ngay cả khi các cảnh báo được đưa ra, các trường hợp tương tự vẫn tiếp tục được báo cáo, bao gồm cả trường hợp người mẹ không biết mình đã mang thai. MHLW và PMDA đã yêu cầu bổ sung các biện pháp thận trọng sau đây khi sử dụng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản:

- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chỉ nên sử dụng các thuốc ức chế hệ renin-angiotensin sau khi cân nhắc lợi ích vượt trội nguy cơ.

- Nếu được sử dụng, cần chắc chắn rằng bệnh nhân không mang thai và tránh mang thai trong suốt thời gian dùng thuốc. Nếu bệnh nhân phát hiện mang thai, ngay lập tức dừng thuốc. 

- Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có ý định mang thai, thông báo ngay cho bác sĩ khi phát hiện mang thai hoặc nghi ngờ mang thai trong quá trình dùng thuốc.

Nguồn: WHO Pharmaceuticals Newsletters No.4 2023

 

  1. TỔ THÔNG TIN THUỐC                                                                                                      HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUÔC Q1.2024