Tin tức và sự kiện

TRI TÔN VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

TRI TÔN VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Tri Tôn đang có xu hướng gia tăng do bắt đầu vào mùa mưa và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn đã tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thường xuyên giám sát địa bàn, điều tra dịch tễ, xử lý các ổ dịch mới phát sinh, khống chế không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do Sốt xuất huyết góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện, tính đến nay, toàn huyện Tri Tôn chỉ mới ghi nhận hơn 87 ca mắc sốt xuất huyết, với 24 ổ dịch, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số ca mắc cao tại TT Tri Tôn và xã Châu Lăng. Trước tình hình đó, được sự hướng dẫn hỗ trợ từ Trung tâm Y tế huyện, các Trạm y tế đã tham mưu với UBND xã, thị trấn triển khai 02 đợt Chiến dịch diệt lăng quăng và tháng hưởng ứng ngày Asean phòng chống Sốt xuất huyết năm 2022 nhằm ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của dịch sốt xuất huyết. 

Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Đài phát thanh huyện, xã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, loa di động, tờ rơi, áp phích, hướng dẫn các biện pháp phòng bênh như: thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh, kiểm tra, cọ rửa lu khạp hay vật dụng chứa nước  diệt lăng quăng, duy trì các mô hình hay và phát động các phong trào diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng…Nhất là ngay sau khi xuất hiện những ca mắc sốt xuất huyết ở các địa phương, Trung tâm Y tế huyện đã cử Đội phòng chống dịch phối hợp Trạm Y tế, Ban Ngành đoàn thể địa phương nhanh chóng khoanh vùng, tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát nguồn lây, xử lý ngay các ổ dịch nhỏ. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, huy động lực lượng phun dập dịch diện rộng toàn khu vực xảy ra ca bệnh. Qua triển khai quyết liệt các giải pháp đã nhận được sự quan tâm của người dân khi nhận biết và ý thức được tình hình dịch bệnh thì chính từng hộ gia đình sẻ chủ động cập nhật kiến thức và hình thành thói quen có ích trong phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết hiện nay còn nhiều khó khăn do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa. Hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng và ý thức tự phòng bệnh của người dân là chính vì vậy người dân nên chủ động vệ sinh nơi làm việc, nơi ở, dọn dẹp, tháo rửa các dụng cụ chứa nước không dùng, thả cá diệt lăng quăng nơi chứa nước sinh hoạt lớn, đặc biệt là nên ngủ mùng ngay cả ban ngày và mặc quần áo dài phòng muỗi đốt. Nếu bị sốt nghi Sốt xuất huyết, mọi người không nên tự ý mua thuốc uống tại nhà mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với trẻ em nhỏ.

Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện khẩn trương phối hợp UBND xã, thị trấn, Trạm Y tế tổ chức định kỳ thực hiện vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phun xịt hóa chất để diệt muỗi tại các ổ dịch, yêu cầu các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao luôn duy trì thực hiện vệ sinh môi trường diệt lăng quăng với tần suất 01tuần/lần để hạn chế thấp nhất tác nhân gây bệnh, tăng thời lượng tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện, xã các biện pháp phòng bệnh Sốt xuất huyết nhằm nâng cao ý thức của cá nhân, gia đình trong công tác phòng chống bệnh Sốt xuất huyết ngay thời điểm bước vào cao điểm của mùa mưa năm nay. 

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin ngừa bệnh. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết véc tơ truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng. Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của Chính quyền các cấp, Ban ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay tại hộ gia đình./.

Tổ TTGDSK - TTYT Tri Tôn

HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHOẺ THẾ GIỚI

HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHOẺ THẾ GIỚI

Hàng năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 07 tháng 04 là ngày Ngày Sức khỏe Thế giới. Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2022, WHO sẽ tập trung sự chú ý toàn cầu vào các hành động cấp bách cần thiết để giữ cho con người và hành tinh khỏe mạnh, và thúc đẩy một phong trào để tạo ra các xã hội tập trung vào hạnh phúc trong bối cảnh đại dịch, một hành tinh bị ô nhiễm và tỷ lệ mắc các bệnh như ung thư, hen suyễn và bệnh tim ngày càng gia tăng.

Khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Mỗi năm, 3,5 triệu người ở Tây Thái Bình Dương chết do các nguyên nhân môi trường, như ô nhiễm không khí, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hoặc các bệnh lây truyền qua đường nước. Cứ 14 giây lại có một người chết vì ô nhiễm không khí ở Tây Thái Bình Dương và hơn 90% người dân hít thở ô nhiễm không khí ngoài trời ở mức độ không tốt cho sức khỏe, phần lớn là do đốt cùng một loại nhiên liệu hóa thạch đang gây ra biến đổi khí hậu. 

Hàng năm, các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS), bao gồm các quốc gia và khu vực thuộc Quần đảo Thái Bình Dương, chiếm 2/3 số quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương chịu thiệt hại tương đối cao nhất do thiên tai. Mực nước biển dâng cao và các cơn bão nhiệt đới ngày càng gia tăng đang làm giảm khả năng tiếp cận nước ngọt, làm suy thoái các bãi biển và rạn san hô, lấy đi đất đai nơi từng có nhà cửa và bệnh viện, và cuối cùng là đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân ở Thái Bình Dương. 

Sự gia tăng các bệnh do véc tơ truyền như sốt xuất huyết và sốt rét, mất an toàn thực phẩm và nước uống an toàn, suy thoái đất và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ chỉ làm căng thẳng thêm các hệ thống y tế này và tác động không cân xứng đến những người dễ bị tổn thương nhất. 

Ngày nay, ô nhiễm và nhựa được tìm thấy ở đáy đại dương sâu nhất và những ngọn núi cao nhất, và đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống quá chế biến, không lành mạnh đang thúc đẩy làn sóng béo phì, gia tăng ung thư và bệnh tim, đồng thời tạo ra một phần ba lượng khí thải nhà kính. Hiện có hơn 93 triệu trẻ em ở Tây Thái Bình Dương bị thừa cân hoặc béo phì. 

Bảo vệ sức khỏe người dân trước biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có hành động chuyển đổi trong mọi lĩnh vực, bao gồm năng lượng, giao thông, thiên nhiên, hệ thống lương thực và tài chính. Phá vỡ các chu kỳ hủy diệt này đối với hành tinh và sức khỏe con người đòi hỏi hành động lập pháp, cải cách doanh nghiệp và các cá nhân phải được hỗ trợ và khuyến khích để đưa ra những lựa chọn lành mạnh.   

Tại Việt Nam, Chương trình Ngày sức khỏe Thế giới được tổ chức nhằm hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam, tập trung vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, huy động sự chủ động tham gia của mỗi người dân, vận động nguồn lực xã hội nhằm triển khai sâu rộng, đồng bộ các hoạt động nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam. Các hoạt động hướng đến mục tiêu tăng cường nhận thức, khuyến khích người dân chủ động chăm sóc sức khỏe ban đầu, thiết thực triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, kết hợp nguồn lực ngân sách nhà nước và nguồn lực đóng góp xã hội, hướng tới sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm, bệnh ung thư và tăng cường vận động thể chất; để thực hiện “Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe các nhân, gia đình và cộng đồng. Tăng cường sự tham gia, phối hợp liên ngành để xây dựng môi trường nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục và lâu dài để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả.

Mỗi người dân cùng chung tay thực hiện các hành động thiết thực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình như: Tập thể dục giữa giờ nhanh, vui, khỏe; 10 nghìn bước chân mỗi ngày – Thay đổi cuộc sống; Ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật; Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; Đo đường máu ít nhất một năm 1 lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường; Sàng lọc phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư; Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh; Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp; Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình.

Đã đến lúc chúng ta phải hành động vì Hành tinh của Chúng ta, Sức khỏe của Chúng ta. 

Tổ TTGDSK - TTYT Tri Tôn

RA QUÂN CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG LỒNG GHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ SINH SẢN, KHHGĐ NĂM 2022

RA QUÂN CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG LỒNG GHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ SINH SẢN, KHHGĐ NĂM 2022

 

DS

Sáng ngày 09/06/2022, UBND huyện Tri Tôn phối hợp Trung tâm Y tế Tri Tôn, Trung tâm Văn hóa và Các Ban ngành đoàn thể huyện tổ chức ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc năm 2022. BS.Mai Văn Gấm phó chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang, lãnh đạo các ngành huyện, lãnh đạo và cộng tác viên dân số 15 xã thị trấn và học sinh trường THPT Nguyễn Trung Trực tham dự

Huyện Tri Tôn có tổng số dân hiện nay trên 117.600 người, tỷ suất sinh là 16,65%/năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,03%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,5%,. Chiến dịch truyền thông năm nay được thực hiện tại 5 xã là Lê Trì, Núi Tô, An Tức, Tân Tuyến và Lương An Trà, đây là những  địa bàn có mức sinh cao, chưa ổn định, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên cao. Tập trung các hoạt động  tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản; Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; Sàng lọc trước sinh, Sàng lọc sơ sinh; Thực hiện cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Phấn đấu trên 90% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao sự hiểu biết cơ bản về SKSS/KHHGĐ; Trên 80% số phụ nữ có chồng tại địa bàn được vận động khám bệnh phụ khoa và được điều trị bệnh phụ khoa thông thường khi được phát hiện mắc bệnh; đạt trên 80% chỉ tiêu kế hoạch năm về đặt Dụng cụ tử cung; đạt 100% chỉ tiêu về số người dùng bao cao su và thuốc uống tránh thai.

Phát biểu tại buổi lễ, phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang kêu gọi các cấp lãnh đạo từ huyện đến cơ sở phải hết sức quan tâm, chia sẻ trách nhiệm với công tác dân số, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, thường xuyên cập nhật thông tin hướng dẫn, tổ chức theo dõi chặt chẽ số trẻ sinh, tỷ số giới tính khi sinh. Các ngành các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông  cộng đồng, tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện tốt mô hình gia đình nhỏ, có một hoặc 2 con.

Sau buổi lễ ra quân, xe hoa cổ động tiếp tục diễu hành trong toàn huyện kết hợp tuyên truyền loa phát thanh về ý nghĩa của buổi lễ ra quân chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc năm 2022./.

Tổ TTGDSK - TTYT huyện Tri Tôn

HUYỆN TRI TÔN TỔ CHỨC MITTINH PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH DIỆT LĂNG QUĂNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NĂM 2022

HUYỆN TRI TÔN TỔ CHỨC MITTINH PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH DIỆT LĂNG QUĂNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NĂM 2022

 

Q1

Sáng 28/7/2022, UBND huyện Tri Tôn tổ chức Lễ phát động “Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết” trên địa bàn huyện năm 2022. Đây là đợt tuyên truyền quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức người dân về dịch bệnh và vận động người dân chung tay cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết. Tham dự Lễ phát động có ông Dương Anh Linh -Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC tỉnh An Giang; ông Trần Minh Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện- Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người huyện Tri Tôn, cùng 300 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, Ban chỉ huy Quân sự huyện, đồn Biên phòng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cácxã, thị trấn, các đội chống dịch của Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và các em học sinh trường Trung học cơ sở Tri Tôn cùng tham dự.

Q2

Lễ phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết là một trong những chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các tổ chức, người dân nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội về thực hiện phòng, chống sốt xuất huyết với thông điệp “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, để tạo sức cộng hưởng và lan rộng trong cộng đồng.Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyếtnăm 2022 trên địa bàn huyện Tri Tôn được phát động thực hiện trong 3 đợt vào các tháng 7,8,9 năm 2022.

Q3

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Trần Minh Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn đã thông tin nhanh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện,đồng thời phát động, kêu gọi các tổ chức-xã hội, các ban ngành, đoàn thể, các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện, UBND cácxã, thị trấn tăng cường công tác phối hợp thực hiện các giải pháp và hành động cụ thể nhằm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn huyện, cần chú trọng các khu vực có nguy cơ phát sinh và lây lan Sốt xuất huyết; kịp thời phát hiện, tổ chức xử lý dập dịch, chống lây lan ra cộng đồng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện cácbiện pháp phòng bệnh, mỗi tuần dành10-15 phút để tìm và diệt các ổ chứa lăng quăng,vận động nhân dân hưởng ứng và thựchiện có hiệuquả các chiến dịch vệ sinh môitrường-diệt lăng quăng tại địa phương.

Q4

Tại buổi lễ phát động các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của 15 xã, thị trấn ký cam kết với Giám đốc Trung tâm Y tế huyện về đảm bảo thực hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương năm 2022.

Q5

Sau lễ phát động tất các các đại biểu tham dự cùng với xe loa tuyên truyền, diễu hành trên các tuyến đường chính của huyện và sau đó xe loa cổ động của Trung tâm Văn hoá đến tận các xã, thị trấn trong huyện để tuyên truyền cho người dân được biết để hưởng ứng chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Tri Tôn./.

 

Bs. Nguyễn Văn Bảy

Trưởng khoa KSBT-PC HIV/AIDS

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TRI TÔN

TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 MŨI 3, MŨI 4 LÀ HẾT SỨC CẦN THIẾT

TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19

MŨI 3, MŨI 4 LÀ HẾT SỨC CẦN THIẾT

 

Nguyễn Văn Bảy

                                                                           Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TRI TÔN

 

Huyện Tri Tôn cùng cả nước thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong hơn một năm qua đã giúp giảm rõ rệt số trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng, trở nặng và tử vong. Kết quả này là nhờ người dân đã tích cực tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ 2 liều cơ bản đạt tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, vắc xin phòng bệnh không phải duy trì lâu dài hoặc tồn tại mãi trong cơ thể con người, mà nó sẽ giảm theo thời gian và dần dần sẽ mất khả năng bảo vệ. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 để nhắc lại sẽ làm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể để chống lại vi rút SARS-CoV-2 và giúp cơ thể không bị nhiễm nặng và tử vong nếu khi nhiễm chủng vi rút mới hiện nay, nhất là biến thể nguy hiểm của Omicron BA.4, BA.5 là siêu lây nhiễm. Vậy mà, trong thời gian qua có một số người dân có một số quan điểm sai lầm, không có bằng chứng khoa học cho rằng, tiêm vắc xin COVID-19 là có hại như gây phản ứng nặng, mất trí nhớ… và một số người có tư tưởng chủ quan, lơ là cho rằng là đã tiêm 2 mũi vắc xin rồi là đủ, không cần phải tiêm mũi tăng cường nữa. Đó là những quan điểm quá sai lầm và không có khoa học.

Thực tế hiện nay cho thấy, virus gây bệnh COVID-19 vẫn luôn biến đổi và xuất hiện những biến chủng mới, khó lường. Ở nước ta hiện nay, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron  BA.4, BA.5 biến đổi khó lường, và đã xâm nhập vào Việt Nam làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng trước biến chủng mới, ngành Y tế khuyến cáo người dân hãy hăng hái, ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia tiêm vắc xin phòng CoVid-19 và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể là người dân từ 12 tuổi trở lên hãy tích cực đến các cơ sở y tế để liên hệ tiêm vắc xin phòng CoVid-19 mũi 3, mũi 4 để tăng cường miễn dịch; các trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi phải tranh thủ tiêm đủ 2 mũi cơ bản để phòng chống dịch CoVid-19 quay trở lại với biến thể của Omicron BA.4, BA.5 vì biến thể này rất siêu lây nhiễm.

Vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và của cộng đồng trước biến chủng mới của dịch COVD-19, mọi người hãy tích cực tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 đầy đủ theo hướng dẫn của ngành y tế./.