Tin tức và sự kiện

TRI TÔN VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

TRI TÔN VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Tri Tôn đang có xu hướng gia tăng do bắt đầu vào mùa mưa và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn đã tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thường xuyên giám sát địa bàn, điều tra dịch tễ, xử lý các ổ dịch mới phát sinh, khống chế không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do Sốt xuất huyết góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện, tính đến nay, toàn huyện Tri Tôn chỉ mới ghi nhận hơn 87 ca mắc sốt xuất huyết, với 24 ổ dịch, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số ca mắc cao tại TT Tri Tôn và xã Châu Lăng. Trước tình hình đó, được sự hướng dẫn hỗ trợ từ Trung tâm Y tế huyện, các Trạm y tế đã tham mưu với UBND xã, thị trấn triển khai 02 đợt Chiến dịch diệt lăng quăng và tháng hưởng ứng ngày Asean phòng chống Sốt xuất huyết năm 2022 nhằm ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của dịch sốt xuất huyết. 

Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Đài phát thanh huyện, xã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, loa di động, tờ rơi, áp phích, hướng dẫn các biện pháp phòng bênh như: thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh, kiểm tra, cọ rửa lu khạp hay vật dụng chứa nước  diệt lăng quăng, duy trì các mô hình hay và phát động các phong trào diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng…Nhất là ngay sau khi xuất hiện những ca mắc sốt xuất huyết ở các địa phương, Trung tâm Y tế huyện đã cử Đội phòng chống dịch phối hợp Trạm Y tế, Ban Ngành đoàn thể địa phương nhanh chóng khoanh vùng, tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát nguồn lây, xử lý ngay các ổ dịch nhỏ. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, huy động lực lượng phun dập dịch diện rộng toàn khu vực xảy ra ca bệnh. Qua triển khai quyết liệt các giải pháp đã nhận được sự quan tâm của người dân khi nhận biết và ý thức được tình hình dịch bệnh thì chính từng hộ gia đình sẻ chủ động cập nhật kiến thức và hình thành thói quen có ích trong phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết hiện nay còn nhiều khó khăn do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa. Hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng và ý thức tự phòng bệnh của người dân là chính vì vậy người dân nên chủ động vệ sinh nơi làm việc, nơi ở, dọn dẹp, tháo rửa các dụng cụ chứa nước không dùng, thả cá diệt lăng quăng nơi chứa nước sinh hoạt lớn, đặc biệt là nên ngủ mùng ngay cả ban ngày và mặc quần áo dài phòng muỗi đốt. Nếu bị sốt nghi Sốt xuất huyết, mọi người không nên tự ý mua thuốc uống tại nhà mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với trẻ em nhỏ.

Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện khẩn trương phối hợp UBND xã, thị trấn, Trạm Y tế tổ chức định kỳ thực hiện vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phun xịt hóa chất để diệt muỗi tại các ổ dịch, yêu cầu các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao luôn duy trì thực hiện vệ sinh môi trường diệt lăng quăng với tần suất 01tuần/lần để hạn chế thấp nhất tác nhân gây bệnh, tăng thời lượng tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện, xã các biện pháp phòng bệnh Sốt xuất huyết nhằm nâng cao ý thức của cá nhân, gia đình trong công tác phòng chống bệnh Sốt xuất huyết ngay thời điểm bước vào cao điểm của mùa mưa năm nay. 

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin ngừa bệnh. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết véc tơ truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng. Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của Chính quyền các cấp, Ban ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay tại hộ gia đình./.

Tổ TTGDSK - TTYT Tri Tôn

HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHOẺ THẾ GIỚI

HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHOẺ THẾ GIỚI

Hàng năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 07 tháng 04 là ngày Ngày Sức khỏe Thế giới. Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2022, WHO sẽ tập trung sự chú ý toàn cầu vào các hành động cấp bách cần thiết để giữ cho con người và hành tinh khỏe mạnh, và thúc đẩy một phong trào để tạo ra các xã hội tập trung vào hạnh phúc trong bối cảnh đại dịch, một hành tinh bị ô nhiễm và tỷ lệ mắc các bệnh như ung thư, hen suyễn và bệnh tim ngày càng gia tăng.

Khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Mỗi năm, 3,5 triệu người ở Tây Thái Bình Dương chết do các nguyên nhân môi trường, như ô nhiễm không khí, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hoặc các bệnh lây truyền qua đường nước. Cứ 14 giây lại có một người chết vì ô nhiễm không khí ở Tây Thái Bình Dương và hơn 90% người dân hít thở ô nhiễm không khí ngoài trời ở mức độ không tốt cho sức khỏe, phần lớn là do đốt cùng một loại nhiên liệu hóa thạch đang gây ra biến đổi khí hậu. 

Hàng năm, các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS), bao gồm các quốc gia và khu vực thuộc Quần đảo Thái Bình Dương, chiếm 2/3 số quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương chịu thiệt hại tương đối cao nhất do thiên tai. Mực nước biển dâng cao và các cơn bão nhiệt đới ngày càng gia tăng đang làm giảm khả năng tiếp cận nước ngọt, làm suy thoái các bãi biển và rạn san hô, lấy đi đất đai nơi từng có nhà cửa và bệnh viện, và cuối cùng là đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân ở Thái Bình Dương. 

Sự gia tăng các bệnh do véc tơ truyền như sốt xuất huyết và sốt rét, mất an toàn thực phẩm và nước uống an toàn, suy thoái đất và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ chỉ làm căng thẳng thêm các hệ thống y tế này và tác động không cân xứng đến những người dễ bị tổn thương nhất. 

Ngày nay, ô nhiễm và nhựa được tìm thấy ở đáy đại dương sâu nhất và những ngọn núi cao nhất, và đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống quá chế biến, không lành mạnh đang thúc đẩy làn sóng béo phì, gia tăng ung thư và bệnh tim, đồng thời tạo ra một phần ba lượng khí thải nhà kính. Hiện có hơn 93 triệu trẻ em ở Tây Thái Bình Dương bị thừa cân hoặc béo phì. 

Bảo vệ sức khỏe người dân trước biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có hành động chuyển đổi trong mọi lĩnh vực, bao gồm năng lượng, giao thông, thiên nhiên, hệ thống lương thực và tài chính. Phá vỡ các chu kỳ hủy diệt này đối với hành tinh và sức khỏe con người đòi hỏi hành động lập pháp, cải cách doanh nghiệp và các cá nhân phải được hỗ trợ và khuyến khích để đưa ra những lựa chọn lành mạnh.   

Tại Việt Nam, Chương trình Ngày sức khỏe Thế giới được tổ chức nhằm hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam, tập trung vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, huy động sự chủ động tham gia của mỗi người dân, vận động nguồn lực xã hội nhằm triển khai sâu rộng, đồng bộ các hoạt động nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam. Các hoạt động hướng đến mục tiêu tăng cường nhận thức, khuyến khích người dân chủ động chăm sóc sức khỏe ban đầu, thiết thực triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, kết hợp nguồn lực ngân sách nhà nước và nguồn lực đóng góp xã hội, hướng tới sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm, bệnh ung thư và tăng cường vận động thể chất; để thực hiện “Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe các nhân, gia đình và cộng đồng. Tăng cường sự tham gia, phối hợp liên ngành để xây dựng môi trường nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục và lâu dài để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả.

Mỗi người dân cùng chung tay thực hiện các hành động thiết thực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình như: Tập thể dục giữa giờ nhanh, vui, khỏe; 10 nghìn bước chân mỗi ngày – Thay đổi cuộc sống; Ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật; Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; Đo đường máu ít nhất một năm 1 lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường; Sàng lọc phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư; Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh; Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp; Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình.

Đã đến lúc chúng ta phải hành động vì Hành tinh của Chúng ta, Sức khỏe của Chúng ta. 

Tổ TTGDSK - TTYT Tri Tôn