Thông tin dược

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 11/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 11/2023

SO SÁNH HIỆU QUẢ VÀ AN TOÀN CỦA AMOXICILIN/ACID CLAVULANIC VÀ AMOXICILIN TRONG ĐIỀU TRỊ
VIÊM XOANG CẤP TÍNH Ở TRẺ EM

Thực trạng: Viêm xoang cấp tính là một trong những chỉ định kê đơn kháng sinh phổ biến nhất ở trẻ em, với ước tính 4,9 triệu đơn thuốc hàng năm ở Mỹ. Hiện nay không có sự đồng thuận trong việc lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm.

Mục tiêu:
So sánh hiệu quả và an toàn của amoxicilin/clavulanat và amoxicilin trong điều trị viêm xoang cấp tính ở bệnh nhi ngoại trú.

Thiết kế, bối cảnh và đối tượng nghiên cứu:
Nghiên cứu thuần tập trên trẻ em và thanh thiếu niên dưới 17 tuổi được chẩn đoán viêm xoang cấp tính mới, điều trị ngoại trú theo đơn mới bằng amoxicilin/clavulanat hoặc amoxicilin trong cùng một ngày với chẩn đoán. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu y tế quốc gia. Sử dụng phương pháp ghép cặp điểm xu hướng (PSM) để hạn chế các yếu tố gây nhiễu.

Chỉ tiêu lâm sàng:
- Thất bại điều trị, được định nghĩa bao gồm cấp phát một kháng sinh mới, nhập khoa cấp cứu hoặc điều trị nội trú viêm xoang cấp tính, hay điều trị nội trú biến chứng của viêm xoang, được đánh giá trong khoảng 1 đến 14 ngày sau khi bệnh nhân được lựa chọn vào nghiên cứu.
- Các biến cố bất lợi, được đánh giá bao gồm: triệu chứng trên đường tiêu hoá, phản ứng quá mẫn và phản ứng trên da, tổn thương thận cấp và bội nhiễm.

Kết quả:
- Nghiên cứu bao gồm 320.141 bệnh nhân. Sau khi ghép cặp điểm xu hướng, có 198.942 bệnh nhân (99.471 bệnh nhân mỗi nhóm) trong đó 100.340 bệnh nhân giới tính nữ (50,4%); chia theo độ tuổi: 101.726 thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi (51,1%), 52 149 trẻ em từ 6 đến 11 tuổi (26,2%), và 45.067 trẻ em dưới 5 tuổi (22,7%).
- Thất bại điều trị ghi nhận ở 1,7% mẫu nghiên cứu; 0,01% bệnh nhân gặp thất bại nghiêm trọng (nhập khoa cấp cứu hoặc điều trị nội trú).
- Không có sự khác biệt trong nguy cơ gặp thất bại điều trị giữa hai nhóm sử dụng amoxicilin/clavulanat và sử dụng amoxicilin đơn độc
- Nguy cơ gặp các tác dụng phụ trên đường tiêu hoá và nhiễm nấm cao hơn ở nhóm điều trị bằng amoxicillin/clavulanat so với nhóm sử dụng amoxicilin.
Kết luận:
- Ở trẻ em có viêm xoang cấp tính được điều trị ngoại trú, không có sự khác biệt về nguy cơ gặp thất bại điều trị giữa bệnh nhi được kê amoxicilin/clavulanat và bệnh nhi được kê amoxicilin đơn độc, nhưng amoxicilin/clavulanat có liên quan đến nguy cơ cao hơn gặp phải các tác dụng phụ trên đường tiêu hoá và nhiễm nấm.
- Kết quả nghiên cứu trên có thể giúp ích trong lựa chọn kháng sinh kinh nghiệm trong điều trị viêm xoang cấp tính ở trẻ em.
Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn

TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

BÁO CÁO PHÂN TÍCH PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA THUỐC NĂM 2023

BÁO CÁO PHÂN TÍCH PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA THUỐC
NĂM 2023

1. Tình hình báo cáo ADR cả nước và tỉnh An Giang (01/2023 – 09/2023)
- Giai đoạn 01/2023 đến 09/2023: Trung tâm ADR Quốc Gia ghi nhận 15.340 báo cáo phản ứng có hại của thuốc từ 880 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
- Giai đoạn 01/2023 đến 09/2023: An Giang ghi nhận và báo cáo về trung tâm ADR Quốc Gia 418 báo cáo phản ứng có hại của thuốc từ 16 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 2,7% cả nước.
STT ĐƠN VỊ BÁO CÁO SL BÁO CÁO TỶ LỆ
1 Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang 77 18,42
2 Bệnh viện Sản Nhi An Giang 71 16,99
3 Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang 63 15,07
4 Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới 30 7,18
5 Bệnh viện Đa khoa Nhật Tân 25 5,98
6 Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - An Giang 23 5,50
7 Trung tâm Y tế huyện Phú Tân - An Giang 22 5,26
8 Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn 18 4,31
9 Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên 18 4,31
10 Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu 17 4,07
11 Bệnh viện Mắt – Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt An Giang 13 3,11
12 Trung tâm Y tế huyện An Phú 13 3,11
13 Trung tâm Y tế huyện Châu Phú 11 2,63
14 Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn 10 2,39
15 Bệnh viện Tim Mạch An Giang 4 0,96
16 Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên 3 0,72
418 100,00

- Trung tâm y tế huyện Tri Tôn ghi nhận và báo cáo về trung tâm ADR quốc gia khu vực miền Nam 10 báo cáo, chiếm tỷ lệ 2.4% cả tỉnh.

2. Tình hình báo cáo ADR tại TTYT huyện Tri Tôn (01/2023 – 10/2023)
2.1 Thống kê về giới tính, tuổi và đường dùng thuốc trong các báo cáo về ADR:
Nam Nữ
Số lượng 4 6
Tỉ lệ (%) 40 60
 Tỉ lệ chênh lệch giữa bệnh nhân Nam và Nữ gặp ADR không cao.
Uống Tiêm/truyền
Số lượng 0 10
Tỉ lệ (%) 0 100

 

 Tỉ lệ báo cáo phản ứng ADR xảy ra hầu hết ở các thuốc sử dụng đường tiêm truyền
Trẻ em Người trưởng thành Người cao tuổi
Số lượng 3 5 2
Tỉ lệ (%) 30 50 2
 Phản ứng có hại của thuốc có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.
2.2 Thống kê các nhóm thuốc thường gặp phản ứng có hại của thuốc
Kháng sinh NSAID PPI Glucose 5%
Số lượng 4 4 1 1
Tỉ lệ (%) 40 40 10 10

 Nhóm thuốc thường gặp phản ứng có hại (ADR) nhất là Kháng sinh (Cefotaxim và Gentamycin) và NSAID (cùng chiếm 40%)
3. KẾT LUẬN:
- Qua kết quả phân tích 10 báo cáo ADR năm 2023 từ các khoa lâm sàng, cho thấy ADR có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào (không phân biệt nam, nữ, độ tuổi.
- Trong các báo cáo ADR đã ghi nhận, các biểu hiện phản ứng có hại của thuốc có thể sẽ xảy ra nhanh (15-30 phút) hoặc cũng có thể diễn ra chậm (60-120 phút) nên việc theo dõi phản ứng sau khi dùng thuốc của bệnh nhân là hết sức quan trọng.
- Thuốc sử dụng đường tiêm/truyền tĩnh mạch có tỉ lệ gặp phải ADR cao hơn rất nhiều so với thuốc sử dụng đường uống.
- Nhóm kháng sinh và NSAID là nhóm có tỉ lệ gặp phải phản ứng có hại cao nhất.
- Đa số các phản ứng đều ở mức độ nhẹ, không nghiêm trọng và biến mất sau khi ngừng thuốc hoặc sau khi xử trí theo y lệnh của Bác sĩ.
4. KIẾN NGHỊ
- Đề nghị các khoa lâm sàng/ cận lâm sàng tiếp tục tích cực tham gia báo cáo phản ứng có hại của thuốc, vaccin, sinh phẩm y tế.
- Mở rộng phạm vi báo cáo ADR toàn trung tâm, kể cả các trạm y tế xã, để có thể đánh giá khách quan hơn về phản ứng ADR.
- Khuyến khích nhân viên y tế tham gia báo cáo ADR (khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác thu thập và báo cáo ADR)

TỔ DLS – TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 09/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 09/2023

MHRA: NGUY CƠ XUẤT HIỆN Ý ĐỊNH HOẶC HÀNH ĐỘNG TỰ SÁT KHI DÙNG KHÁNG SINH FLUOROQUINOLON

Báo cáo về ý định và hành vi tự tử:
MHRA đã ghi nhận báo cáo về một trường hợp bệnh nhân tự tử, sau khi được điều trị bằng ciprofloxacin. Bệnh nhân không có tiền sử trầm cảm hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Báo cáo đã chỉ ra mối quan ngại về nguy cơ tiềm ẩn hành vi tự tử ở bệnh nhân sử dụng ciprofloxacin, khả năng tăng nguy cơ ở bệnh nhân trầm cảm. Vấn đề này cần được nhấn mạnh với các nhân viên y tế.

Thông tin sản phẩm của kháng sinh fluoroquinolon hiện đã có cảnh báo về khả năng các phản ứng có hại trên tâm thần có thể xảy ra với ciprofloxacin và các kháng sinh fluoroquinolon khác. Phản ứng có thể xảy ra ngay sau khi sử dụng liều ciprofloxacin đầu tiên. Bệnh nhân trầm cảm hoặc loạn thần có thể tăng nặng tình trạng khi sử dụng ciprofloxacin. Trong một số ít trường hợp, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần có thể tiến triển thành ý nghĩ hoặc hành động tự tử. Khi đó, phải ngừng sử dụng ciprofloxacin ngay lập tức.
Dữ liệu hiện có không đủ để xác định tần suất cũng như khoảng thời gian khởi phát các phản ứng này. Bệnh nhân cần được khuyến cáo nên báo với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng tâm thần nào, ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc một thời gian.
Khuyến cáo cho nhân viên y tế:
- Khuyến cáo bệnh nhân đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng về các phản ứng có thể xảy ra trên tâm thần và hỏi ý kiến của nhân viên y tế khi gặp bất kỳ triệu chứng nào.
- Khi kê đơn kháng sinh fluoroquinolon, cần cảnh báo bệnh nhân về bất kỳ sự thay đổi tâm trạng nào: thay đổi tâm trạng, suy nghĩ phiền muộn, ý định tự sát hoặc tự gây thương tích tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị.
- Lưu ý rằng kháng sinh fluoroquinolon có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tâm thần hiện có trên người bệnh.
- Khuyên bệnh nhân nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh nếu xuất hiện những suy nghĩ hoặc hành vi như trên và can thiệp nếu cần thiết.
- Ngừng thuốc khi có những dấu hiệu đầu tiên của các phản ứng bất lợi nghiêm trọng, ví dụ xuất hiện hoặc tăng nặng các rối loạn tâm thần hay trầm cảm.
- Báo cáo các phản ứng có hại nghi ngờ liên quan đến thuốc.

Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn

TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 08/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 08/2023

MHRA: NGUY CƠ TIỀM ẨN KHI SỬ DỤNG NSAID DÀI NGÀY SAU 20 TUẦN THAI KỲ

Các NSAID đường toàn thân (uống và tiêm truyền) như ibuprofen, naproxen và diclofenac đã bị chống chỉ định trong ba tháng cuối của thai kỳ (sau 28 tuần mang thai) do tăng nguy cơ co thắt ống động mạch và rối loạn chức năng thận. Các NSAID cũng làm kéo dài thời gian chảy máu do tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu và có thể ức chế co thắt tử cung, dẫn đến chuyển dạ chậm hoặc kéo dài.

Một nghiên cứu tại Châu Âu năm 2022 đã phát hiện ra rằng việc sử dụng NSAID dài ngày sau tuần thứ 20 của thai kỳ có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ thiểu ối và co thắt ống động mạch. Trong tổng số 1092 phụ nữ mang thai có sử dụng NSAID trong ba tháng giữa và/hoặc cuối thai kỳ, ghi nhận 41 trường hợp (3,8%) thiếu ối, so với 29 trường hợp (2,5%) trong số 1154 phụ nữ mang thai sử dụng NSAID trong ba tháng đầu thai kỳ. Cũng theo nghiên cứu này, một số trường hợp đóng ống động mạch sớm cũng đã được ghi nhận sau khi người mẹ sử dụng NSAID trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
Nhóm chuyên gia tư vấn về thuốc sử dụng cho nhi khoa và phụ nữ thuộc Ủy ban về thuốc sử dụng trên người (CHM) của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) cũng đồng thuận với các khuyến cáo từ nghiên cứu trên. CHM nhận thấy nguy cơ co thắt ống động mạch khi dùng NSAID kéo dài là nghiêm trọng và cần cập nhật cảnh báo này trong thông tin sản phẩm. Mặc dù vậy, bằng chứng về nguy cơ khi sử dụng NSAID ngắn ngày (dưới vài ngày) trong giai đoạn cuối của 3 tháng giữa thai kỳ còn hạn chế.
Trong trường hợp cần thiết sử dụng NSAID, nên theo dõi nguy cơ thiểu ối và co thắt ống động mạch từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Thông tin sản phẩm cho NSAID tại Anh đang được sửa đổi để cảnh báo nguy cơ thiểu ối, đóng sớm ống động mạch khi sử dụng trong 3 tháng giữa thai kỳ và khuyến cáo tránh sử dụng từ tuần 20 của thai kỳ trở đi trừ khi thực sự cần thiết.
Nghiên cứu trên không đánh giá các NSAID tác dụng tại chỗ (gel và kem bôi có chứa NSAID). Đánh giá gần đây cũng không xem xét các NSAID chọn lọc COX-2 (coxib). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tất cả các coxib đều bị chống chỉ định trong 3 tháng cuối của thai kỳ và một số coxib bị chống chỉ định trong suốt thai kỳ. Coxib ức chế tổng hợp prostaglandin tương tự như các NSAID khác và có liên quan đến thiểu ối, đờ tử cung và đóng sớm ống động mạch.
Lời khuyên cho các nhân viên y tế:
- Chống chỉ định các thuốc NSAID đường toàn thân (uống và tiêm truyền) trong ba tháng cuối (sau 28 tuần) của thai kỳ
- Tránh kê đơn NSAID đường toàn thân từ tuần 20 của thai kỳ trừ khi lâm sàng thực sự cần thiết và kê đơn liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.
- Cân nhắc theo dõi tiền sản để phát hiện sớm thiểu ối nếu người mẹ đã dùng NSAID dài ngày sau tuần thứ 20 của thai kỳ
- Khuyên bệnh nhân đang mang thai tránh sử dụng NSAID sau tuần thứ 20 của thai kỳ nếu không có sự tư vấn của nhân viên y tế.
Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn

TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 07/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 07/2023

MHRA: NGUY CƠ SỬ DỤNG THIẾU LIỀU CALCI GLUCONAT TRÊN BỆNH NHÂN TĂNG KALI MÁU NGHIÊM TRỌNG

Muối calci (calci clorid hoặc calci gluconat) được sử dụng để ổn định cơ tim và ngăn ngừa ngừng tim ở những bệnh nhân bị tăng kali máu nghiêm trọng. Tuy nhiên, hai loại muối này không tương đương nhau về liều lượng calci. Đảm bảo dùng đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ/dược sĩ để tránh dùng thiếu liều calci trên bệnh nhân tăng kali máu nghiêm trọng.

Vai trò của muối calci trong điều trị tăng kali máu nghiêm trọng
Tăng kali máu nghiêm trọng (nồng độ kali huyết tương ≥ 6,5 mmol/l) là tình trạng y tế khẩn cấp và phải điều trị kịp thời. Calci gluconat được sử dụng để ổn định cơ tim và ngăn ngừa rối loạn nhịp tim và ngừng tim.
Trước đây, muối calci chỉ được sử dụng off-label để điều trị tình trạng cơ tim bị kích thích trên các bệnh nhân bị tăng kali máu nghiêm trọng.Tuy nhiên, gần đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) đã cấp phép sử dụng calci gluconat trong trường hợp tăng kali máu nghiêm trọng cấp tính và hồi sức tim do tăng kali máu nghiêm trọng.
Hướng dẫn thực hành lâm sàng điều trị tăng kali máu cấp tính ở người lớn cập nhật năm 2020 của Hội thận học Anh đã chỉ rõ muối calci không làm giảm lượng kali huyết thanh nhưng giúp bảo vệ tim. Hướng dẫn khuyến cáo sử dụng calci clorid hoặc calci gluconat, tuy nhiên các muối này không tương đương về lượng calci. Để đạt được liều lượng calci khuyến cáo là 6,8 mmol, phải dùng 30ml calci gluconat 10% hoặc 10ml calci clorid 10%. Cả hai chế phẩm calci gluconat và calci clorid đều ở dạng lọ 10ml ở nồng độ 10% (w/v), do đó cần 3 lọ calci gluconat để đạt được liều lượng thích hợp trong khi chỉ cần 1 lọ calci clorid. Đường dùng thuốc nên là tiêm tĩnh mạch chậm, có thể phải tiêm nhắc lại.
Những thay đổi trên điện tâm đồ (ECG) cung cấp bằng chứng về ngộ độc kali nhưng không phải lúc nào cũng xuất hiện từ đầu. Nên theo dõi điện tâm đồ khi nồng độ kali máu trên 6.0 mmol/L. Calci gluconat biểu hiện tác dụng trên điện tâm đồ trong vòng 3 phút sau khi dùng và kéo dài 30-60 phút. Nên tiêm tĩnh mạch 1 liều 30ml calci gluconat 10% trong 10 phút. Tác dụng của muối calci ngắn nên cân nhắc dùng liều nhắc lại nếu vẫn ghi nhận bất thường trên điện tâm đồ trong vòng 5 đến 10 phút sau liều đầu tiên.
Muối calci không làm giảm nồng độ kali máu. Nguy cơ rối loạn nhịp tim và ngừng tim tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của tăng kali máu. Do vậy các biện pháp làm hạ kali máu và giải quyết nguyên nhân cơ bản gây tăng kali máu cần được thực hiện ngay lập tức.
Đánh giá việc dùng thiếu liều của calci gluconat
MHRA đã rà soát các nguồn dữ liệu hiện có tại Anh liên quan đến việc sử dụng calci gluconat không phù hợp và phát hiện một số trường hợp đặc biệt xảy ra sai sót y khoa bao gồm: một trường hợp tử vong khi sử dụng 10ml calci gluconat trong quá trình hồi sức tim phổi.
Ngoài ra, có 6 biến cố được ghi nhận liên quan đến việc sử dụng và giám sát calci gluconat không chính xác trong tình trạng tăng kali máu nghiêm trọng và ngừng tim (5 trường hợp tử vong, 1 kết quả không rõ). Lo ngại an toàn ở đây liên quan đến việc dùng thiếu liều calci gluconat; thiếu liều lặp lại khi được chỉ định; thiếu điều trị hạ kali và thiếu hoặc theo dõi điện tâm đồ không phù hợp.
MHRA đã xem xét và xin tư vấn từ Ủy ban sử dụng Thuốc cho Người (CHM). Theo đó, thông tin sản phẩm của những loại thuốc này sẽ được cập nhật nhằm đảm bảo sử dụng calci gluconat an toàn và hiệu quả hơn trong điều trị tăng kali máu nghiêm trọng và để cảnh báo về khả năng dùng thiếu liều.
Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:
- Muối calci (calci clorid hoặc calci gluconat) được sử dụng để ổn định cơ tim và ngăn ngừa ngừng tim. Hai chế phẩm này không tương đương nhau về liều lượng calci.
- Thận trọng với nguy cơ thiếu liều khi sử dụng calci gluconat thay vì calci clorid và kiểm tra chính xác lượng muối calci trước khi dùng: 30ml calci gluconat 10% cung cấp 6,8mmol calci (tương đương với 10ml calci clorid 10%).
- Tiêm tĩnh mạch chậm toàn bộ liều trong 10 phút
- Cần thiết sử dụng liều lặp lại do tác dụng của calci ngắn, kéo dài 30 đến 60 phút.
- Báo cáo các phản ứng bất lợi nghi ngờ liên quan.
Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn

TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ