Thông tin dược

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 06/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 06/2023

MEDSAFE: CẢNH BÁO PHÙ MẠCH DO THUỐC ỨC CHẾ MEN CHUYỂN (ACEI) CÓ THỂ GÂY TỬ VONG

Phù mạch là tác dụng không mong muốn nghiêm trọng của thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI) có thể dẫn đến tử vong ở bệnh nhân. Phản ứng này có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị.
Trước khi chỉ định thuốc ức chế men chuyển cho bệnh nhân, cần khai thác kỹ bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc trước đó chưa và có ghi nhận phản ứng bất lợi nào không, đặc biệt với biểu hiện sưng, phù.
Không chỉ định lại bất kỳ thuốc ACEI nào ở bệnh nhân có tiền sử phù mạch do thuốc ACEI.

Trung tâm theo dõi phản ứng có hại New Zealand (CARM) đã nhận được một báo cáo về phản ứng phù mạch gây tử vong do thuốc ức chế men chuyển ACEI. Trước đây bệnh nhân đã ghi nhận có biểu hiện sưng phù lưỡi nhẹ khi sử dụng một loại thuốc ACEI. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân đã được kê một loại thuốc ACEI khác và kết quả cuối cùng bệnh nhân bị phù mạch và tử vong

Phản ứng phù mạch do thuốc ức chế men chuyển ACEI
- Phù mạch là hiện tượng sưng nề cục bộ ở da/niêm mạc mà không có biểu hiện ngứa/mày đay. Các phản ứng phù thường gặp do thuốc ức chế men chuyển bao gồm phù mặt, môi hoặc lưỡi. Các phản ứng phù gây ngạt đường thở có thể dẫn đến tử vong hiếm khi xảy ra. Bên cạnh đó phản ứng phù liên quan đến các tạng dẫn đến triệu chứng ở tiêu hóa cũng được ghi nhận.
- Phù mạch xảy ra ở khoảng 0,1% đến 0,7% bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế men chuyển ACEI. Phản ứng thường khởi phát trong những tuần hoặc tháng đầu tiên sau khi sử dụng thuốc, và cũng có thể xảy ra sau nhiều năm sử dụng.
Quản lý và phòng ngừa nguy cơ
- Trường hợp bệnh nhân dùng thuốc ức chế men chuyển có dấu hiệu phù mạch, xem xét thuốc ức chế men chuyển có thể chính là nguyên nhân và nên ngừng thuốc.
- Khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng liên quan đến phù mạch do ACEI cần theo dõi và chăm sóc, hỗ trợ đường thở nếu có phù miệng, cổ họng cho bệnh nhân. Bệnh nhân có thể gặp phản ứng lặp lại nhiều lần ngay cả khi đã ngừng thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ/nhân viên y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng tái phát.
- Nếu tiếp tục sử dụng ACEI sau khi bệnh nhân đã gặp phản ứng phù mạch lần đầu có thể dẫn đến các biểu hiện nghiêm trọng hơn và đe dọa tính mạng. Do đó chống chỉ định sử dụng thuốc này ở những bệnh nhân có tiền sử phù mạch trước đó do thuốc.
Lời khuyên cho nhân viên y tế
- Trước khi chỉ định thuốc ức chế men chuyển cho bệnh nhân, cần khai thác kỹ tiền sử sử dụng các loại thuốc trước đây và những phản ứng bất lợi đã từng gặp, đặc biệt về các biểu hiện sưng, phù.
- Tư vấn cho những bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc ACEI về các biểu hiện phù mạch và lưu ý với họ nên liên hệ với bác sĩ/ nhân viên y tế ngay lập tức nếu xảy ra các triệu chứng này
- Không nên chỉ định thuốc ACEI cho những bệnh nhân đã từng gặp phản ứng phù mạch do thuốc. Đặc biệt lưu ý với bệnh nhân đã từng có tiền sử phù mạch do ACEI nên tránh sử dụng lặp lại các thuốc nhóm này trong tương lai.
Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn

TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 05/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 05/2023
HỘI DƯỢC LÝ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ PHÁP: LẠM DỤNG THUỐC KHÁNG HISTAMIN H1 (CYPROHEPTADIN) ĐỂ TĂNG CÂN

Cyproheptadin là thuốc kháng histamin H1 được chỉ định trong điều trị triệu chứng dị ứng. Do có tác dụng phụ làm tăng vị giác, thuốc được chuyển hướng sử dụng nhằm mục đích tăng cân. Việc lạm dụng thuốc kháng histamin thế hệ cũ để tăng cân đã gây ra nhiều phản ứng có hại mà bệnh nhân thường không biết đến, có cơ chế do các đặc tính của thuốc bao gồm: an thần, đối kháng cholinergic, ức chế thần kinh tiết adrenalin và đối kháng serotonergic.
Cyproheptadin là một thuốc kháng histamin không bắt buộc kê đơn, được lưu hành trên thị trường từ năm 1974 và được chỉ định trong điều trị các triệu chứng dị ứng.
Ý kiến của Hội Dược lý lâm sàng và Điều trị Pháp (SFPT)
Cyproheptadin không còn nằm trong chiến lược điều trị của nhóm thuốc kháng histamin và bị thay đổi mục đích sử dụng, gây ra nhiều phản ứng có hại (thần kinh, tâm thần, tim, huyết học hoặc tiêu hóa). SFPT cho rằng cần đánh giá lại cân bằng lợi ích-nguy cơ của cyproheptadin để thu hồi giấy phép lưu hành hoặc ít nhất là đưa thuốc này vào danh sách bắt buộc kê đơn.
Tại sao cyproheptadin có tác dụng tăng khẩu vị?
Cyproheptadin chủ yếu là chất đối kháng thụ thể H1, 5-HT2A và 5-HT2C, cyproheptadin có tác dụng tạo hormon liên quan đến sự đối kháng thụ thể 5-HT2C. Thuốc chống loạn thần thế hệ 2 cũng gián tiếp gây tăng cân qua cơ chế này.
Thụ thể 5-HT2C ở vùng dưới đồi gây rafeedback âm tính đối với thụ thể ghrelin GHSR1 (thụ thể tiết hormone tăng trưởng 1). Do đó, chất đối kháng thụ thể 5-HT2C gây ra sự điều hòa ngược trên con đường truyền tín hiệu thèm ăn qua trung gian ghrelin bằng cách loại bỏ phản hồi âm tính. Từ các đặc tính dược lý này, cyproheptadin là một loại thuốc bị lạm dụng với mục đích gây tăng cân.
Tại sao tình trạng lạm dụng cyproheptadin gia tăng?
Vào những năm 70, việc dùng cyproheptadin để tăng cân đã được cho phép ngay khi thuốc được lưu hành trên thị trường Pháp. Tuy nhiên chỉ định này bị loại bỏ từ năm 1994.
Phương pháp này hiện đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội với các video nhằm quảng cáo việc sử dụng cyproheptadin và sự biến đổi cơ thể ấn tượng, với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt xem. Một số tài khoản trên mạng xã hội còn rao bán trực tiếp cyproheptadin dạng viên hoặc siro với mục đích thẩm mỹ. Do đó, việc bán thuốc không cần kê đơn trên internet và tại các hiệu thuốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng tiếp cận và sử dụng cyproheptadin sai mục đích.
Các nguy cơ của cyproheptadin
Cyproheptadin có cơ chế tác dụng không chọn lọc trên các thụ thể histamin H1 và gây ra nhiều tác dụng phụ liên quan đến các đặc tính an thần, đối kháng cholinergic, ức chế thần kinh tiết adrenalin và đối kháng serotonergic rõ rệt. Việc thay đổi mục đích sử dụng có thể làm tăng khả năng xuất hiện các phản ứng có hại như buồn ngủ, giảm tỉnh táo, chóng mặt, ảo giác, lo lắng, giãn đồng tử, tổn thương gan (đặc biệt là ứ mật), bí tiểu và rối loạn nhịp tim. Tình trạng thiếu máu và mất bạch cầu hạt cũng đã được báo cáo.

Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn

TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 04/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 04/2023

MEDSAFE: METOCLOPRAMID – NGUY CƠ GÂY LOẠN TRƯƠNG LỰC CƠ Ở TRẺ EM TỪ 1 ĐẾN 19 TUỔI
Metoclopramid được chỉ định điều trị các triệu chứng buồn nôn và nôn. Do nguy cơ gây loạn trương lực cơ, metoclopramid được giới hạn chỉ định ở trẻ em từ 1 đến 19 tuổi, và chỉ nên là lựa chọn hàng hai (second-line) trong một số trường hợp nhất định.
Loạn trương lực cơ có thể xảy ra ngay sau khi sử dụng một liều metoclopramid, với tần suất cao ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 19 và nhất là đối với trẻ nữ.
Điều kiện sử dụng
Bảng 1: Metoclopramid – điều kiện sử dụng ở trẻ em theo dạng bào chế
Dạng bào chế Tuổi Điều kiện sử dụng
Dung dịch tiêm • 1 – 19 tuổi Lựa chọn hàng hai (second-line) đối với các trường hợp:
• - Nôn ói nặng không rõ nguyên nhân
• - Nôn do xạ trị hoặc không dung nạp với hóa chất gây độc tế bào trong điều trị ung thư
• - Hỗ trợ thủ thuật đặt ống thông vào ruột non
Viên nén • 15 – 19 tuổi Lựa chọn hàng hai (second-line) đối với các trường hợp:
• - Nôn ói nặng không rõ nguyên nhân
• - Nôn do xạ trị và không dung nạp hóa chất gây độc tế bào trong điều trị ung thư.
• - Hỗ trợ đặt ống thông dạ dày - ruột
• - Sử dụng trong tiền phẫu

Loạn trương lực cơ
Loạn trương lực cơ là những rối loạn vận động, bao gồm sự co thắt cơ không tự chủ của cơ thể, có thể gây ra các cử động lặp đi lặp lại hoặc các tư thế bất thường như vặn xoắn. Các cử động gây ra bởi loạn trương lực cơ thường theo một khuôn mẫu, có thể diễn ra liên tục hoặc gián đoạn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể hoặc một cơ, một nhóm cơ. Phản ứng loạn trương lực cơ thuộc loại triệu chứng ngoại tháp, là tác dụng không mong muốn phổ biến nhất liên quan đến việc sử dụng metoclopramid.
Phản ứng loạn trương lực cơ được ghi nhận xảy ra với tần suất cao hơn ở trẻ từ 1 đến 19 tuổi, đặc biệt tần suất cao đối với nữ và khi sử dụng liều cao. Để giảm thiểu nguy cơ này, cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo về liều trong hướng dẫn sử dụng.
Các báo cáo ca tại New Zealand
Tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2022, Trung tâm theo dõi phản ứng có hại đã ghi nhận 372 báo cáo liên quan đến metoclopramid. Trong số 372 báo cáo này có tới 77% được ghi nhận xảy ra trên đối tượng bệnh nhân nữ. Và 23% (86 báo cáo) là xảy ra trên bệnh nhân từ 19 tuổi trở xuống, trong đó nữ giới chiếm 83%..
Bảng 2: 5 phản ứng hàng đầu được báo cáo đối với metoclopramid ở những người bệnh trẻ (≤19 tuổi), tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2022
Phản ứng có hại của thuốc Số báo cáo
Loạn trương lực cơ 44
Cơn trợn ngược mắt 14
Rối loạn ngoại tháp 8
Lo lắng 5
Cứng hàm 4
Loạn trương lực cơ là phản ứng có hại được báo cáo thường xuyên nhất liên quan đến sử dụng metoclopramid
Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn
TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 03/2023

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 03/2023
MEDSAFE: NGUY CƠ NHIỄM ĐỘC THẦN KINH KHI SỬ DỤNG CEPHALOSPORIN
Các báo cáo về nhiễm độc thần kinh khi sử dụng kháng sinh cephalosporin bao gồm rối loạn chức năng não bộ (encephalopathy), cơn động kinh và/hoặc động kinh rung giật cơ đã được ghi nhận.
Các yếu tố nguy cơ xuất hiện các phản ứng này bao gồm: nhóm bệnh nhân cao tuổi, suy giảm chức năng thận, có bệnh lý nền về rối loạn thần kinh trung ương và sử dụng cephalosporin đường tiêm tĩnh mạch.
Nhiễm độc thần kinh có thể xuất hiện khi sử dụng bất kỳ cephalosporin thế hệ nào???
Cephalosporin là kháng sinh beta lactam phổ rộng, thuốc có thể được sử dụng trong phác đồ điều trị đầu tay (first-line) và phác đồ điều trị thay thế (second-line) trong nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn.
Cephalosporins bao gồm 5 thế hệ, dựa trên đặc tính phổ kháng khuẩn và lịch sử nghiên cứu phát triển thuốc.
Bảng 1: Phân loại kháng sinh cephalosporins theo thế hệ lưu hành tại New Zealand
Thế hệ 1 Thế hệ 2 Thế hệ 3 Thế hệ 4 Thế hệ 5
Cefazolin Cefuroxim Cefotaxim Cefepim Ceftarolin fosamil
Cefalexin Cefaclor Ceftazidim Ceftolozan*
Ceftriaxon
* ceftolozan ở dạng phối hợp với tazobactam
Các báo cáo ca và báo cáo chuỗi trên thế giới cho thấy, so với các kháng sinh cephalosporin khác, nhiễm độc thần kinh chủ yếu ghi nhận được khi sử dụng cefepime. Tuy nhiên phản ứng này cũng đã được báo cáo đối với các kháng sinh cephalosporin thế hệ khác.
Nhiễm độc thần kinh gây ra bởi cephalosporin có thể biểu hiện bằng nhiều các phản ứng khác nhau
Các báo cáo về nhiễm độc thần kinh do cephalosporin được mô tả chủ yếu với các tình trạng rối loạn chức năng liên quan đến bệnh lý não, cơn động kinh và động kinh rung giật cơ.
Bệnh lý não (encephalopathy) là thuật ngữ rộng bao hàm tất cả các bệnh lý làm rối loạn chức năng não bộ, như thay đổi trạng thái tinh thần, biểu hiện thông qua một loạt các triệu chứng từ lú lẫn đến suy giảm ý thức.
Các cơn động kinh liên quan đến dùng cephalosporin có thể biểu hiện dưới dạng co giật hoặc không co giật với cơ chế cephalosporin làm rối loạn chức năng của chất dẫn truyền thần kinh gamma-aminobutyric acid (GABA).
Các triệu chứng nhiễm độc thần kinh được báo cáo xuất hiện trong vòng vài ngày từ lúc bắt đầu điều trị và biến mất sau khi ngừng thuốc.
Lời khuyên cho nhân viên y tế
Nhận biết về nhiễm độc thần kinh khi sử dụng cephalosporin cho bệnh nhân là một thách thức lớn bởi bệnh nhân dùng kháng sinh thường đi kèm với nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Tháng 12 năm 2022, MARC đã khuyến cáo các nhân viên y tế nên cân nhắc nguy cơ xảy ra tình trạng nhiễm độc thần kinh khi sử dụng cephalosporin ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ nêu trên và tình trạng bệnh lý thần kinh mới khởi phát không rõ nguyên nhân. Trong những trường hợp như vậy, việc ngừng thuốc có thể là phù hợp.
Các báo cáo ca ở New Zealand
Kể từ ngày 31 tháng 10 năm 2022, Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc tại New Zealand (CARM) đã nhận được một số báo cáo mô tả tình trạng nhiễm độc thần kinh gây ra khi sử dụng cephalosporin (Bảng 2).
Các phản ứng bất lợi được báo cáo trong những trường hợp này bao gồm cơn động kinh, cơn co giật cơ, lú lẫn, bệnh lý rối loạn chức năng não bộ, kích động, ảo giác và mê sảng.
Bảng 2:
Thế hệ Cephalosporin Số báo cáo

1 Cefazolin 7
Cefalexin 2
2 Cefuroxim 6
Cefaclor 3
3 Cefotaxim 2
Ceftazidim 2
Ceftriaxon 2
4 Cefepim 2

Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn
TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ

 

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 02/2023

 THÔNG TIN THUỐC THÁNG 02/2023

TGA: CÁC CHẾ PHẨM BỔ SUNG CÓ CHỨA VITAMIN B6 CÓ THỂ GÂY BỆNH THẦN KINH NGOẠI BIÊN

Nhận thức về vitamin B6 có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên của nhiều người đến nay còn hạn chế, bệnh có các triệu chứng đặc trưng như ngứa, bỏng rát hoặc cảm giác tê thường gặp ở bàn tay, bàn chân. Sử dụng vitamin B6 ngay ở liều thấp cũng có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên nhưng những người có khả năng cao mắc bệnh thường do họ sử dụng nhiều hơn một chế phẩm bổ sung.
Khuyến cáo người bệnh nếu đang sử dụng một hoặc nhiều chế phẩm bổ sung/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nên:
• Kiểm tra thành phần có chứa vitamin B6 không. Nên tìm tất cả các tên gọi khác của vitamin B6 trên nhãn.
• Kiểm tra tổng liều vitamin B6 đang sử dụng mỗi ngày. Mặc dù liều lượng tối đa cho phép hàng ngày ở mỗi sản phẩm đã giảm xuống 100 mg đối với người lớn (và thấp hơn đối với trẻ em tùy theo độ tuổi), khả năng mắc bệnh thần kinh ngoại biên vẫn có thể xảy ra ngay ở liều rất thấp (dưới 50 mg). Nguyên nhân một số người bệnh có khả năng cao gặp tác dụng không mong muốn này hơn những người khác đến nay vẫn chưa rõ ràng.
• Cần chú ý với những triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên như ngứa, bỏng rát hoặc cảm giác tê ở bàn tay và bàn chân, ngừng sử dụng (các) sản phẩm nếu gặp phải các triệu chứng trên.
• Trao đổi với nhân viên y tế nếu có bất kỳ lo lắng hoặc thắc mắc về bệnh thần kinh ngoại biên hoặc các sản phẩm chứa vitamin nhóm B, bao gồm cả lợi ích của việc bổ sung vitamin B6 có lớn hơn nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên hay không.
Bệnh thần kinh ngoại biên là gì?
Bệnh thần kinh ngoại biên là một loại tổn thương thần kinh gây ngứa, bỏng rát hoặc cảm giác tê ở các chi, thường là bàn tay hoặc bàn chân. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh thần kinh ngoại biên - một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là đái tháo đường.
Bệnh thần kinh ngoại biên cũng là tác dụng không mong muốn đã được biết đến khi sử dụng vitamin B6 liều cao hoặc kéo dài. Những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên do vitamin B6, khi tiếp tục sử dụng vitamin có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.
TGA đã thực hiện các thay đổi về cách ghi nhãn và sử dụng này
Sau khi nhận được hơn 30 báo cáo về bệnh thần kinh ngoại biên với đầy đủ thông tin cho thấy mối liên quan ở mức độ có thể với các sản phẩm chứa vitamin B6, TGA đã tiến hành đánh giá và thấy rằng:
• Bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra với liều hàng ngày dưới 50mg
• Bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở những bệnh nhân dùng nhiều sản phẩm chứa vitamin B6
• Nguy cơ xảy ra biến cố giữa các cá thể là khác nhau - không có liều tối thiểu, thời gian sử dụng tối thiểu hoặc yếu tố nguy cơ được xác định
Nhiều trường hợp, người sử dụng không biết sản phẩm đang dùng có chứa vitamin B6 vì các sản phẩm này ghi nhãn là thực phẩm bổ sung magie.
Nguồn: Canhgiacduoc.org.vn
TM. TỔ TTT HỘI ĐỒNG THUỐC
VÀ ĐIỀU TRỊ