Tin tức và sự kiện
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona và cách phòng, chống Vi rút Corona là gì, bệnh lây truyền như thế nào ?
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona và cách phòng, chống
Vi rút Corona là gì, bệnh lây truyền như thế nào ?
Vi rút corona là căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và được bắt nguồn từ Vũ Hán – Trung Quốc. Đây là một loại vi rút có thể gây ra các dịch bệnh lớn. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh và vi rút Corona cũng có thể lây nhiễm bằng cách chạm tay vào một vật mà người bệnh đã chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt thì cũng bị lây nhiễm.
Ai có thể bị nhiễm vi rút Corona ? Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm vi rút Corona, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ dễ bị nhiễm là những người mắc bệnh tiểu đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị suy giảm miễn dịch kèm theo là sống hoặc đến vùng có người mắc bệnh do virus Corona mới trong vòng 14 ngày trước khi có triệu chứng.
Những biểu biện thường gặp của bệnh
Người bị nhiễm vi rút Corona đầu tiên có các biểu hiện như: ho, sốt, thở dốc, đến nặng hơn là khó thở, viêm phổi nặng vẫn đến suy hô hấp cấp tính và nguy cơ tử vong rất cao. Đến nay, chưa có vắc xin để phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này, mà ngành y tế chủ yếu chăm sóc bệnh nhân và giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới corona tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc, trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với người có ho hay hắt hơi thì nên đứng hoặc ngồi song song thay vì ngồi đối diện cũng như khoảng cách Bộ Y tế khuyến cáo tối thiểu là 2 mét.
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế...bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng máy điều hòa.
- Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các nước sát khuẩn thông thường khác.
- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
- Đối với những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc phải khai báo với y tế khi nhập cảnh, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày nếu có các dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38 độ C, kèm theo ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm xem có bị nhiễm vi rút Corona hay không để được theo dõi, điều trị kịp thời.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona. Để chủ động phòng chống, trong sinh hoạt hàng ngày, nếu thấy có biểu hiện như sốt trên 38 độ C, kèm theo ho, khó thở cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện sớm và cách ly điều trị kịp thời.
Vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và của cộng đồng, toàn dân hãy tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Corona lây truyền./.
- Nguyễn Văn Bảy
Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TRI TÔN
BỆNH BẠCH HẦU VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
BỆNH BẠCH HẦU VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
Bệnh bạch hầu là gì?Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Ai có thể mắc bệnh bạch hầu ? Bất cứ đối tượng nào có tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn.Tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào ?Bệnh lây truyền trực tiếp và gián tiếp
Lây truyền trực tiếp: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt ở những nơi đông người hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Lây truyền gián tiếp: Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh như chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụngtừ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc các vật dụng, đồ chơi của trẻ có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Những biểu hiện chính của bệnh bạch hầu
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, dấu hiệu đầu tiên là nóng sốt, gây viêm họng và tạo ra một lớp màng trắng xám bám trong họng, 2 bên amidan, lưỡi. Nếu không điều trị kịp thời thì màng bám sẽ lan xuống vùng thanh quản gây khàn giọng, khó thở, ho ông ổng. Lớp mảng giả này sẽ làm tắc đường thở và gây tử vong.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm cơ tim, viêm thận hoặc tác động lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.
Diễn biến của bệnh bạch hầu và cách phòng bệnh
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng(vắc xin SII hoặc ComBe Five) :
Tiêm Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi
Tiêm Mũi 2: Cách mũi thứ nhất là 1 tháng
Tiêm Mũi 3: Cách mũi thứ hai là 1 tháng
Tiêm Mũi 4: Khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Vì sức khỏe của con em mình các bậc cha, mẹ hãy nhớ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch hàng tháng tại các Trạm Y tế trong huyện
- Nguyễn Văn Bảy
Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TRI TÔN
Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ trong mùa dịch
Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ trong mùa dịch
Dịch COVID-19 là dịch bệnh trực tiếp đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng trong thời gian gần đây. Chủ động một lối sống lành mạnh, chú ý phòng dịch đúng cách sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
- Ăn đa dạng thực phẩm: để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, đạm và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể nâng cao miễn dịch, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID- 19), trong giai đoạn này không nên ăn kiêng mà cần đảm bảo sự đa dạng thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Có thể tham khảo chế độ ăn gồm 03 bữa chính và 03 bữa phụ trong ngày. Thời gian giữa các bữa ăn không cách nhau quá 3 giờ. Các bữa ăn chính nên lựa chọn thực phẩm đa dạng như: thịt, cá, trứng, nấm, đậu phụ, rau xanh,... các gia vị như hành, tỏi, hẹ để bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Bữa phụ nên ăn trái cây để tăng cường vitamin C, sữa chua nguyên chất lên men giúp thúc đẩy hoạt động kháng khuẩn trong cơ thể.
- Uống nước đúng cách: ai cũng ý thức được vai trò của nước đối với cơ thể nhưng không phải ai cũng biết ai cách uống nước cho đúng. Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2-2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Tỷ lệ 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp. Nhu cầu này phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực. Sử dụng máy lọc nước đảm bảo chất lượng nước sau lọc đạt chuẩn nước uống tinh khiết, không nên chờ đến khi miệng và cổ khô mới uống nước mà cần uống từng ngụm nhỏ, uống chậm, uống nhiều lần trong ngày, uống ngay cả khi không khát. Đặc biệt cần uống nước sạch, nước ấm. Ít nhất cần đun sôi nước để tiêu diệt virus, vi khuẩn. Nếu có điều kiện có thể sử dụng máy lọc nước để đảm bảo an toàn, loại bỏ được các chất độc hại, cặn bẩn, virus, vi khuẩn…
- Thời gian ngủ mỗi ngày không ít hơn 7 tiếng: chế độ làm việc, nghỉ ngơi cần có quy luật. Giấc ngủ rất quan trọng vì nhiều lý do–giấc ngủ báo hiệu cơ thể bạn giải phóng hormon và các hợp chất giúp quản lý cơn thèm ăn, duy trì hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện trí nhớ. Ngủ đủ giấc, đảm bảo thời gian ngủ mỗi ngày không ít hơn 7 giờ, tránh thức khuya sẽ giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn. Một vài nghiên cứu cho thấy, nếu bạn bị thiếu ngủ, bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh như tiểu đường, bệnh tim, béo phì và ngưng thở khi ngủ. Tất cả các tình trạng sức khỏe này có thể giảm khi bạn ngủ ít nhất 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.
- Luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ: thường xuyên vệ sinh nhà cửa, diệt khuẩn các vật dụng thường xuyên sử dụng. Đảm bảo thông gió bằng cách tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi ở. Có thể kết hợp sử dụng máy lọc không khí màng lọc Hepa tích hợp Nano Bạc kết hợp chế độ ion âm và chế độ UV làm sạch không khí, ức chế sự sinh sôi và lây lan của virus, vi khuẩn, ngăn ngừa bệnh tật nhất là các bệnh liên quan đến hô hấp.
Tổ TTGDSK – TTYT Tri Tôn
Những cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch Là chiến sỹ thầm lặng cống hiến vì sức khỏe cộng đồng
Những cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch
Là chiến sỹ thầm lặng cống hiến vì sức khỏe cộng đồng
- Nguyễn Văn Bảy
Trưởng khoa KSBT-HIV/AIDS
TTYT HUYỆN TRI TÔN
Vì sức khỏe của cộng đồng, những cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch đã phải gắng liền ở mọi địa bàn. Họ là những chiến sĩ trong trận chiến không tiếng súng nhưng không ít hiểm nguy. Đặc trưng lớn nhất trong hoạt động phòng chống dịch là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Nghĩa là khi nhận được thông tin về một dịch bệnh mới phát sinh hoặc tái phát sinh, dù ở bất cứ đâu, giờ giấc nào, dù mưa hay bão họ cũng lập tức phải đi đến để tìm rõ căn nguyên. Từ đó, tham mưu cho lãnh đạo, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành y tế thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng.
Đặc biệt, năm 2019 được xem là năm có nhiều dấu ấn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế Tri Tôn. Đây là năm có số người mắc sốt xuất huyết tăng đột biến, có tới 266 ca mắc, tăng 2,2 lần so với năm 2018. Nhằm khống chế dịch sốt xuất huyết hiệu quả, cán bộ làm công tác phòng chống dịch và những y, bác sỹ làm việc tại các khoa Nhi, khoa nội nhiễm, khoa Hồi sức cấp cứu của huyện đã không quản ngại ngày đêm, nỗ lực hết mình để mang lại sức khỏe cho người dân.
Không những thế, ngay từ đầu năm 2020 cán bộ y tế của đơn vị lại phải đương đầu với dịch bệnh Covid-19. Nhằm kiểm soát dịch bệnh, không để dịch xâm nhập vào địa bàn, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế và của Thường trực UBND huyện về tăng cường phòng, chống dịch do nCoV gây ra, ngành Y tế Tri Tôn đã chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện việc cách ly phòng, chống dịch đối với tất cả các đối tượng từ nước ngoài đến, người từ vùng dịch về địa bàn huyện để theo dõi sức khỏe hàng ngày nếu khi phát hiện người có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở thì kịp thời xử trí đúng qui định.
Với đặc trưng là công tác lưu động, hoạt động chống dịch tại cộng đồng nên cán bộ phòng chống dịch phải thường xuyên đi cơ sở. Không chỉ cống hiến nhiều về thời gian, mà họ còn phải thực hiện một khối lượng lớn công việc khác khá vất vả và nguy hiểm, như: tiếp xúc đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm, đối tượng nguy cơ mắc bệnh để điều tra dịch tễ tìm căn nguyên gây bệnh và còn phải tìm bắt từng con muỗi gây bệnh, tìm từng dụng cụ chứa nước có lăng quăng để xử lý, đồng thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch như xử lý môi trường, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và diệt muỗi trưởng thành tại ổ dịch và những nơi có nguy cơ cao…
Khi ai đó có dịp nhìn cán bộ phòng chống chống dịch mang trên mình chiếc máy phun thuốc tầm nặng khoảng 25kg, chưa kể tiến máy nổ tăng ga ê khắp cả mình, lùn bùn cả đôi tai, di chuyển liên tục khắp các ngõ hiễm, con đường ở mọi địa điểm khác nhau mới thấy sự vất vả, mệt nhọc, nhất là trong những ngày hè nóng bức. Thế nhưng, họ luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, kịp thời có mặt ở khắp các địa bàn trọng điểm của dịch bệnh.
Hình ảnh phun hóa chất khử trùng, tiêu độc Covid-19 trong trường học
Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-COV-2, đội ngũ cán bộ y tế phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức vì là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, không trừ một ai dù lớn hay nhỏ. Do đó, có một số anh, chị, em chưa từng làm công tác chống dịch, Vì chưa có kinh nghiệm trong công việc nên khi được phân công tiếp cận đối tượng để điều tra, thu thập thông tin, theo dõi sức khỏe tại nhà, đặc biệt hơn là khi được phân công đến phục vụ tại điểm cách ly tập trung và đi lấy mẫu xét nghiệm thì các anh em này cảm thấy hơi lo lắng, có người không nói nên lời. Song được các đồng nghiệp đi trước tận tình chỉ bảo, được tập huấn kiến thức về dịch Covid-19 thì đã vững tin hơn trong công việc. Không những thế, điều đáng ngại mà chúng tôi gặp phải trong quá trình làm việc trong thời Covid-19 là khi nghe chúng tôi có tiếp xúc với các đối tượng cách ly thì có không ít người phải lảng tránh chúng tôi vì sợ lây nhiễm, nhưng chúng tôi không buồn phiền mà phải chấp nhận và kiên định vì lợi ích chung của cộng đồng mà hãy quên đi những phiền muộn và cho đó là sự hiểu nhằm.
Hình ảnh lấy mẫu tìm Covid-19 tại điểm cách ly tập trung
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, TTYT huyện đã khẩn cấp xây dựng kế hoạch, thành lập 2 đội đáp ứng nhanh với dịch bệnh, 2 đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng hỗ trợ tuyến, trong đưa, rước đối tượng cách ly và củng cố kiện toàn 79 Đội đặc nhiệm phòng chống dịch tại 79/79 khóm/ấp trong toàn huyện và TTYT huyện đã thành lập các khu cách ly y tế từ huyện đến 15 TYT xã nhằm kịp thời ứng phó với các diễn biến của dịch. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm của dịch, TTYT Tri Tôn cũng như nhiều đơn vị y tế khác đang đứng trước khó khăn là thiếu khẩu trang y tế. Để giải quyết bài toán này, Giám đốc TTYT huyện quyết định tổ chức may khẩu trang vải cấp cho cán bộ y tế trong đơn vị và dành khẩu trang y tế cho cán bộ trực tiếp tham gia trong phòng chống dịch và cán bộ tiếp xúc tại phòng khám phân luồng bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm và những bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho…
Điều đáng mừng là đến thời điểm này, Tri Tôn chưa phát hiện có trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở các nước trên thế giới vẫn đang còn diễn biến phức tạp, khó dự báo. Số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao. Chính vì thế, đòi hỏi những chiến sỹ phòng chống dịch chúng tôi phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, không chủ quan mà quyết liệt bảo vệ thành quả trong phòng chống dịch Covid-19 mà Việt Nam đã đạt được; Đồng thời tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động dự phòng, kiểm soát chặt chẽ các dịch bệnh khác nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Những gì mà các chiến sỹ phòng chống dịch đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết. Vì chính họ là lực lượng tiên phong trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Không quản ngại khó khăn, vất vả, họ luôn có mặt kịp thời ở những địa bàn trọng điểm của dịch bệnh dù mưa, bão nhưng vẫn quyết tâm làm sạch môi trường, ngăn ngừa mầm bệnh, giúp người dân ổn định cuộc sống và chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng. Với đặc thù công việc, “những chiến sỹ làm công tác phòng, chống dịch” không có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình... mà âm thầm cống hiến vì sức khỏe của người dân./.