THÔNG TIN THUỐC THÁNG 10/2018

TRUNG TÂM Y TẾ H.TRI TÔN                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

     KHOA DƯỢC-TTB-VTYT                                        Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

               TỔ DLS - TTT

                                                                                                Tri Tôn, ngày 10 tháng 10 năm 2018

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 10/2018

Kính gửi: Các khoa phòng trong Bệnh Viện

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý. Bộ phận DLS – TTT xin thông tin cho các Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng và các cán bộ y tế lưu ý  và cập nhật.

ANSM: CƠ QUAN QUẢN LÝ DƯỢC PHẨM PHÁP NHẮC LẠI VỀ HỘI CHỨNG TRUYỀN PROPOFOL

 

ANSM đã được thông báo bởi mạng lưới các trung tâm cảnh giác dược khu vực (CRPV) về 2 trường hợp gặp hội chứng truyền propofol, cả hai đều tử vong, xảy ra trong vòng 1 tháng ở một đơn vị hồi sức.

Hội chứng truyền propofol là một tác dụng hiếm gặp và được biết đến khi sử dụng thuốc này với tác dụng an thần trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, việc xuất hiện các trường hợp tử vong mới đây đã khiến ANSM cùng với Hiệp hội Gây mê hồi sức Pháp (Sfar), Hiệp hội Hồi sức các nước nói tiếng Pháp (SRLF) và Nhóm Hồi sức cấp cứu nhi khoa cộng đồng Pháp ngữ (GFRUP) lên tiếng cảnh báo với các bác sĩ gây mê hồi sức và chăm sóc tích cực về hội chứng này, các yếu tố nguy cơ và biện pháp quản lý.

Propofol là một thuốc gây mê tĩnh mạch, tác dụng nhanh, được sử dụng trong khời mê và duy trì mê nói chung và an thần trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, thuốc an thần gây mê tác dụng ngắn và kết hợp thêm với gây tê tại chỗ.

Ở một số bệnh nhân, sử dụng propofol với tác dụng an thần trong ICU có thể kết hợp với rối loạn chuyển hóa và suy đa tạng, đặc trưng của hội chứng truyền propofol và có khả năng gây tử vong.

Hội chứng này có thể xảy ra khi bệnh nhân có: nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân, tăng kali máu, suy gan, suy thận, tăng lipid máu, rối loạn nhịp tim, hội chứng Brugada (ECG có khoảng ST chênh lên), suy tim phát triển nhanh không đáp ứng điều trị với một thuốc tăng co bóp. Trong y văn, tổn thương não bộ nghiêm trọng (trên nhân xám) cũng đã được báo cáo đi kèm với hội chứng chuyển hóa ở một bệnh nhân chỉ sau 3 giờ phẫu thuật được gây mê bằng propofol đường tĩnh mạch.

Đến nay, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định bao gồm:

  • Tuổi (propofol chống chỉ định cho bệnh nhân dưới 16 tuổi trong an thần liên tục ở ICU).
  • Giảm lượng carbohydrat (bệnh nhân đói khi gần phẫu thuật).
  • Dùng đồng thời với metformin, giảm cung cấp oxy mô, tổn thương thần kinh nghiêm trọng và/ hoặc nhiễm trùng huyết, dùng liều cao một hoặc nhiều thuốc như các thuốc gây co mạch, steroid, thuốc làm tăng co bóp hoặc sử dụng propofol ở liều cao hơn 4 mg/ kg/ h trong hơn 48 giờ.
  • Đôi khi hội chứng truyền propofol có thể là dấu hiệu của bệnh lý ty thể.

Hai ca gần đây được báo cáo cho ANSM đã có một số yếu tố nguy cơ kể trên như bệnh nhân có tổn thương thần kinh, sử dụng propofol kéo dài (> 48 h), truyền liều cao >4 mg/ kg/ h, sử dụng đồng thời với norepinephrin, 1 trường hợp bệnh nhân dưới 16 tuổi.

Hội chứng truyền propofol thường khó để chẩn đoán vì các biểu hiện lâm sàng của hội chứng này đôi khi không đặc hiệu. Do đó, trước sự suy giảm huyết động hoặc khởi phát nhiễm toan chuyển hóa (lactic) không được giải thích bởi tình trạng lâm sàng ở những bệnh nhân nhận có sử dụng propofol, có thể cần xem xét việc xảy ra hội chứng truyền propofol.

Khi nghi ngờ có hội chứng truyền propofol, cần ngừng propofol càng sớm càng tốt và sử dụng một thuốc an thần kinh khác. Trong phần lớn các trường hợp, khi hội chứng truyền propofol được xác định sớm và ngừng thuốc ngay lập tức, tình trạng bệnh nhân sẽ cải thiện.

Mặt khác, các biện pháp giám sát có thể được đưa ra, đặc biệt với việc truyền trong thời gian dài hoặc dùng liều cao để phát hiện hội chứng này như theo dõi ECG, đo khí máu động mạch với định lượng lactat, định lượng CPK và triglycerid.

Nguồn: Canhgiacduoc.org

    HỘI ĐỒNG THUỐC                TRƯỞNG KHOA DƯỢC         TM. BỘ PHẬN DLS - TTT

     VÀ ĐIỀU TRỊ                         TRANG THIẾT BỊ - VTYT