TTYT HUYỆN TRI TÔN
TỔ THÔNG TIN THUỐC
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 09/2024
NGUY CƠ MẮC BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA KHI SỬ DỤNG THUỐC ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Bối cảnh
Tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm da cơ địa ngày càng gia tăng, đặc biệt trên bệnh nhân cao tuổi. Cho đến hiện nay, có rất ít thông tin về cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị tối ưu trên nhóm bệnh nhân này. Những dữ liệu ban đầu cho thấy rằng các thuốc điều trị tăng huyết áp có thể góp phần gây viêm da cơ địa; tuy nhiên có rất ít dữ liệu về thuốc điều trị tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa trên bệnh nhân cao tuổi.
Mục tiêu
Xác định mối liên quan của sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp với bệnh viêm da cơ địa ở người cao tuổi.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu theo dõi dọc trên bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên không có chẩn đoán mắc bệnh viêm da cơ địa ở thời điểm đưa vào nghiên cứu. Nghiên cứu được tiến hành tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc mạng lưới Health Improvement Network tại Vương quốc Anh từ 01/01/1994 đến ngày 01/01/2015. Phân tích dữ liệu được thực hiện từ ngày 06/01/2020 đến ngày 06/02/2024.
Phương pháp xác định chỉ tiêu đánh giá chính
Viêm da cơ địa được ghi nhận dựa vào ngày đầu tiên xuất hiện một trong năm loại viêm da cơ địa phổ biến nhất.
Kết quả
Trong tổng số mẫu nghiên cứu gồm 1.561.358 bệnh nhân cao tuổi (độ tuổi trung bình là 67 tuổi; tỷ lệ nữ giới chiếm 54%), tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa là 6,7% trong cả giai đoạn nghiên cứu. Tỷ lệ mắc viêm da cơ địa ở những bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cao hơn so với những bệnh nhân không sử dụng, lần lượt là 12 so với 9 trong tổng số 1.000 người-năm.
Kết luận
Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp có liên quan đến tăng nhẹ nguy cơ viêm da cơ địa, trong đó nguy cơ cao nhất với nhóm chẹn kênh canxi và nhóm lợi tiểu, nguy cơ thấp nhất với nhóm ức chế enzym chuyển angiotensin và nhóm chẹn beta. Hiện nay, vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để làm rõ các cơ chế tiềm ẩn của mối liên quan này. Tuy nhiên, những thông tin từ nghiên cứu này cũng rất hữu ích để các nhà lâm sàng có phương pháp quản lý bệnh nhân cao tuổi mắc viêm da cơ địa.
Nguồn: Canhgiacduoc.org
- TỔ THÔNG TIN THUỐC HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ
TTYT HUYỆN TRI TÔN
TỔ THÔNG TIN THUỐC
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 07/2024
HEALTH CANADA: NGUY CƠ VIÊM ỐNG KẼ THẬN CẤP KHI SỬ DỤNG OMEPRAZOL
Health Canada đã cập nhật bổ sung nguy cơ viêm ống thận kẽ cấp (tubulointerstitial nephritis -TIN) đối với 2 chế phẩm thuốc chưa omeprazol và omeprazol magnesi vào các mục Thận trọng, Phản ứng có hại và Thông tin dành cho bệnh nhân trong tờ thông tin sản phẩm lưu hành tại Canada.
Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:
- Viêm ống thận kẽ cấp (TIN) đã được ghi nhận ở bệnh nhân sử dụng omeprazol và có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình điều trị.
- Viêm ống thận kẽ cấp có thể tiến triển thành suy thận.
- Ngừng sử dụng omeprazol ngay khi nghi ngờ mắc viêm ống thận kẽ cấp và có biện pháp xử trí kịp thời cho người bệnh.
- Bệnh nhân được khuyến cáo tham khảo ý kiến của nhân viên y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng của viêm ống thận, bao gồm giảm lượng nước tiểu, tiểu ra máu, sốt, phát ban, cứng khớp.
Health Canada sẽ phối hợp với các nhà sản xuất để bổ sung thông tin về nguy cơ viêm ống thận kẽ cấp vào Tờ thông tin sản phẩm của tất cả các chế thuốc ức chế bơm proton lưu hành ở Canada.
Nguồn: Canhgiacduoc.org
- TỔ THÔNG TIN THUỐC HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ
TTYT HUYỆN TRI TÔN
TỔ THÔNG TIN THUỐC
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 08/2024
MEDSAFE: SỬ DỤNG THỰC PHẨM BỔ SUNG CHỨA KALI CÓ THỂ LÀM TĂNG KALI MÁU
Tăng kali máu
Tăng kali máu được định nghĩa là nồng độ kali huyết thanh lớn hơn 5,3 mmol/L và thường phổ biến hơn ở người cao tuổi và bệnh nhân suy thận.
Tăng kali máu thường không có triệu chứng đặc hiệu. Một số trường hợp có biểu hiện triệu chứng như:
- Buồn nôn và nôn
- Đau cơ và yếu cơ
- Dị cảm
- Liệt
- Thay đổi điện tâm đồ (ECG), đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim.
Tăng kali máu nặng ( ≥7,0 mmol/L hoặc ≥5,4 mmol/L có triệu chứng hoặc thay đổi ECG kèm theo) có khả năng đe dọa tính mạng.
Thuốc và thực phẩm bổ sung có thể góp phần gây tăng kali máu
Các loại thuốc có thể gây tăng kali máu thông qua nhiều cơ chế khác nhau như ức chế hệ renin-angiotensin hoặc giảm bài tiết kali qua thận.
Một số loại thuốc gây tăng kali máu bao gồm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chống viêm không steroid (NSAID), spironolacton, thuốc bổ sung kali, thuốc chẹn beta, digoxin và trimethoprim.
Một số thảo dược trong thực phẩm bổ sung có chứa kali, bao gồm: cây tầm ma, hoa anh thảo, nghệ, bồ công anh.
Ngoài ra, một số chất chứa kali khác có thể có trong thành phần hoặc tá dược như: phức hợp glucosamin sulfat-kali clorid.
Báo cáo tại New Zealand
Từ năm 1986 đến năm 2023, Medsafe và CARM nhận được 84 báo cáo ADR về tăng kali máu. Các loại thuốc nghi ngờ được báo cáo phổ biến nhất bao gồm thuốc ức chế ACE (21 báo cáo), trimethoprim hoặc cotrimoxazol (17 báo cáo), NSAID (9 báo cáo), spironolacton (6 báo cáo) và ARB (6 báo cáo).
Khuyến cáo khi kê đơn
Đối với những bệnh nhân có nguy cơ tăng kali máu, nhắc nhở bệnh nhân đọc kỹ bảng thành phần và hỏi ý kiến cán bộ y tế trước khi dùng các thực phẩm bổ sung có chứa kali.
Đối với các trường hợp có tăng kali máu, cân nhắc các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có thể là yếu tố nguy cơ và ngừng các thuốc hoặc thực phẩm bổ sung này nếu cần thiết.
Để tìm hiểu thêm thông tin về việc quản lý tăng kali máu, tham khảo các tài liệu hướng dẫn điều trị.
Yêu cầu về ghi nhãn thuốc
Từ ngày 1 tháng 3 năm 2024, nếu thuốc có liều tối đa kali hàng ngày lớn hơn 39 mg (tương đương 1 mmol) kali nguyên tố, thông tin sản phẩm của thuốc phải ghi rõ hàm lượng kali chứa trong mỗi đơn vị liều. Bảng thành phần của thuốc và Tờ thông tin thuốc dành cho bệnh nhân cần liệt kê cả các tá dược.
Nguồn: Potassium in dietary supplements may lead to hyperkalaemia (medsafe.govt.nz)
- TỔ THÔNG TIN THUỐC HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ