ĐỪNG ĐỀ NHỮNG NỖI BUỒN ẬP ĐẾN TỪ NHỮNG CHÚ VE SẦU

           BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRI TÔN

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Tri Tôn, Ngày 29 Tháng 05 Năm 2017

ĐỪNG ĐỀ NHỮNG NỖI BUỒN ẬP ĐẾN TỪ NHỮNG CHÚ VE SẦU

              Những cơn mưa đầu mùa hạ đã bắt đầu rơi, khí hậu đã bớt khô cằn nóng bỏng, cây cối lại xanh tươi, một số loài cây lại ra hoa, đơm trái. Trong đó có cây Phượng vĩ thường được trồng ở các sân trường. Đối với các học sinh, mùa hoa phượng nở cũng đồng nghĩa với mùa chia tay đã đến! Các em học sinh lớp nhỏ lại xa nhau, vì kỳ nghỉ hè dài ba tháng, còn các em học sinh đã tốt nghiệp THPT thì hối hả bước vào mùa thi đại học! Có người vì hoàn cảnh phải đi làm ăn ở xa, không thi đại học được, có người lại lên xe hoa theo chồng về xứ lạ! Hòa trong không khí vui buồn lẫn lộn ấy, chú ve sầu cũng cất tiếng kêu than rả rít hàng ngày…Ôi những kỷ niệm thời thơ ấu khó quên! Đó là màu hoa phượng đỏ, đó là tiếng ve ngân, đó là những tờ giấy vụn viết vội rồi ném qua, ném lại. Hôm nay tôi trở về trường củ, từng bước chân nhẹ nhàng, chậm chạp, nhìn hoa phượng nở và nghe tiếng ve sầu réo rít bên tai, lòng tôi bổng bồi hồi xao xuyến, cái bồi hồi xao xuyến không phải là của người học sinh cuối cấp, mà là cái bồi hồi xao xuyến của một người đang nằm trong ngành y tế huyện nhà! Lắng nghe tiếng ve kêu, đối với tôi bây giờ không còn là nổi buồn vu vơ nữa, mà là một nổi lo thật sự - Đó là nổi lo “Ngộ độc khi ăn phải nhộng ve sầu”,  “Ở một số người có sở thích đi bắt ve sầu sau cơn mưa về chế biến làm mồi nhậu”!

           Theo các “Chiến tửu” thì nhộng ve sầu sau khi vừa bò lên từ lòng đất, nó rất mềm mại và màu trắng ngà, họ sẽ bắt từng con, từng con rửa với nước muối xong và ướp lạnh trong bình đựng nước đá cục. Sau đó đem về rửa sạch lại và đem chiên giòn lên, nó sẽ trở thành một món nhậu vô cùng hấp dẫn! Đã có rất nhiều chiến tửu ở miền Nam thiết kế món nhậu này! Tất nhiên họ không biết nhộng ve sầu đang chứa đựng một mối thảm họa về sức khỏe vô cùng to lớn. Bởi vì, bản thân nhộng ve sầu không có độc tố, nhưng có một vài loài nấm độc có tên là Gyrommitrin sống ký sinh trên thân của nhộng ve sầu thì lại rất độc.

         Nếu một ai đó ăn phải nhộng ve sầu có nhiễm Nấm Gyrommitrin thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe, có thể bị tử vong. Bởi vì độc tố không bị mất đi khi sơ chế, không bị phân hủy bởi nhiệt độ cao. Dấu hiệu ngộ độc sẽ xuất hiện sau khi ăn từ 2 – 3 giờ với các triệu chứng: nôn ói, co giật, đau bụng, tê tay chân, run rẩy, đau đầu, nặng hơn nữa là hôn mê.

           Trong những  năm qua đã có vài địa phương có người bị ngộ độc sau khi ăn nhộng ve sầu. Đó là ở Tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu. Đặc biệt là khoảng 10 năm trước đây, tại xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang đã xảy ra một vụ ngộ độc nhộng ve gồm 8 người và phải điều trị tại BV Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh rất nhiều ngày và tốn rất nhiều tiền. Thời gian gần đây, Anh Trần Đình Tuấn ở Tỉnh Bình Phước đang cuốc rẫy thì phát hiện một ổ nhộng ve sầu rất nhiều con, anh liền bắt về rửa nước muối và chiên dầu cho giòn. Sau đó 3 người trong gia đình và 2 người bạn cùng ăn nhậu. Khoảng 3 giờ sau tất cả 5 người xuất hiện dấu hiệu nhức đầu, nôn ói, co giật… Được y tế địa phương sơ cứu và chuyển đến BV Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh điều trị. Theo Tiến sĩ  Lê Quốc Hùng  Phó khoa bệnh Nhiệt đới của Bệnh Viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh, thì năm nào khoa cũng có tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc do ăn ve sầu bị nhiễm nấm độc.Theo Thạc sĩ Nguyễn Gia Bình chuyên gia sinh vật học thì “Những ấu trùng ve bị nấm ký sinh” thường có hình dạng khác thường như: Đầu nhỏ, phần về cuối đuôi hơi phình ra, nhưng với mắt thường của chúng ta và lâu lâu mới gặp một lần thì làm sao mà phân biệt rõ ràng và chắc chắn được. Vì vậy, không nên ăn nhộng ve vì bổ dưỡng đâu chưa thấy, nhưng có thể ngộ độc chết người hoặc ít nhất cũng làm tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng sức lao động của người bệnh, ảnh hưởng đến mọi người thân trong gia đình vì phải chăm sóc mà không lao động được. Do đó xin các “chiến tửu” của chúng ta đừng để những nổi buồn ập đến từ những chú ve sầu! Tức là đừng bao giờ ăn nhộng ve sầu dưới bất kỳ hình thức chế biến nào. 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              BS. Hà Minh Hiệp