NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH DẠI
I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG:
Bệnh dại lưu hành quanh năm, thường tăng cao vào mùa hè. Đây là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.
II. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:
- Sợ nước, sợ gió.
- Co giật, liệt, hôn mê.
- Tử vong sau 7 – 10 ngày.
- Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.
- Thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 tháng sau khi bị các con vật có chứa virus dại cắn.
- Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
III. ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN:
Đường lây truyền của bệnh dại chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da thịt bị tổn thương. Ngoài ra vi rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại.
Những người bị động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm hoặc bị nước bọt dính vào niêm mạc như mắt, miệng, niêm mạc bị trầy xước, tiếp xúc qua da bị tổn thương đều được xem là bị phơi nhiễm với vi rút dại.
IV. CÁCH PHÒNG CHỐNG:
- Trường hợp phơi nhiễm:
Cần đến ngay các điểm tiêm phòng để được khám và điều trị dự phòng càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
- Trường hợp bị cắn, cào:
- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn, cào trong 15 phút với nước và xà phòng hoặc có thể sử dụng rượu, cồn, dầu gội, dầu tắm.
- Sau đó sát khuẩn bằng cồn iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.
- Lưu ý không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương.
- Đến Trung tâm y tế gần nhất để tiêm phòng bệnh dại.
- Đối với động vật bị dại, gia đình cần phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền địa phương diệt ngay chó hoặc động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu ổ dịch.
- Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có ổ dịch.
- Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh dại.
- Những con khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp phải được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại.
DSTH:Nguyễn Minh Nhơn
(TYT xã Châu Lăng – Tri Tôn)